Chứng khoán tăng có bền vững?

(Dân trí) - Sau khi Ngân hàng Nhà nước thu mua ngoại tệ và tìm cơ chế thay thế Chỉ thị 03, hôm nay 16/1, chứng khoán đồng loạt tăng giá. Tuy nhiên, các chuyên gia chứng khoán nhìn nhận, tăng trưởng của thị trường thời gian tới khó bền vững.

Các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán hôm nay đã có một phiên giao dịch hân hoan, vì diễn biến thị trường giúp họ lấy lại phần nào niềm tin đã bị sụt giảm thời gian qua.

Chị Lê Mai, nhà đầu tư trên sàn Kim Long nói: “Tôi rất vui mừng vì chứng khoán có phiên hồi phục mạnh mẽ nhưng để có quyết định tham gia thị trường trước kỳ nghỉ tết hay không, còn phải đợi ngày mai, thậm chí là ngày kia nếu thị trường xanh tiếp mới dám đổ tiền vào”.

Ông Bùi Đức Thịnh - Trưởng phòng phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Quốc tế Hoàng Gia (IRS) cho biết: Diễn biến thị trường ngày 16/1 chính là kết quả của cơ hội mua vào, cùng tin tức tốt từ UBCK và Chính phủ.

“Thị trường lên là tất yếu nhưng không ngờ lên mạnh như vậy. Tôi không tự tin lắm khi nhận xét về xu hướng thời gian tới, bởi dấu hiệu cho thấy thị trường chỉ khôi phục phần nào, chưa thể bứt phá mạnh mẽ lên được” - ông Thịnh nói.

Trước phiên tăng ấn tượng ngày 16/1, thị trường đã có một phiên giảm sâu nhất trong vòng một năm trở lại đây nhưng lại là cơ hội tốt để mua vào đối với nhóm nhà đầu tư giàu kinh nghiệm và bản lĩnh với những sự trồi sụt của thị trường.

Phiên ngày 16/1, thị trường chỉ lấy lại những gì đã mất phiên trước nhưng có lẽ một năm nay rồi mới lại thấy có gần 100% mã tăng trần như thế.

Theo ông Thịnh, giai đoạn điều chỉnh vừa rồi do cung nhiều, trong khi biện pháp của Chính phủ chưa cụ thể khiến nhà đầu tư hoang mang.

Thông tin Ngân hàng Nhà nước “khơi thông” dòng ngoại tệ thực sự hấp dẫn nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng phiên hôm nay, họ lại bán nhiều hơn mua. Họ mua vào 33 cổ phiếu các loại, tổng khối lượng 497.880 đơn vị, tương đương giá trị 44,594 tỷ đồng (chiếm 5,52% giao dịch toàn thị trường); bán ra 53 mã chứng khoán với tổng khối lượng 2.468.660 đơn vị, tổng giá trị 226,250 tỷ đồng (chiếm 27,99% giao dịch toàn thị trường).

Bên cạnh đó các nhà đầu tư nước ngoài còn giao dịch thỏa thuận cùng khối 20.000 cổ phiếu AGF và 6 mã trái phiếu với khối lượng 3,8 triệu đơn vị, giá trị 410,28 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, nhà đầu tư nước ngoài gần như đứng im, họ chỉ mua vào 4 mã cổ phiếu với tổng khối lượng 22.400 đơn vị và giá trị 1,637 tỷ đồng; bán ra 7 mã cổ phiếu với tổng khối lượng là 313.900 đơn vị, giá trị 32,928 tỷ đồng.

Mặc dù có những thông tin tốt từ Nhà nước hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư nhưng bức tranh thị trường mà các chuyên gia chứng khoán tạm “vẽ” ra từ nay cho đến tết vẫn là những phiên giao dịch lình xình, trong những phiên sụt giảm có phiên tăng.

Bởi đây là thời điểm nhà đầu tư gom tiền về để nộp cho phiên đấu giá Vietcombank, bên cạnh đó còn có đợt đấu giá Sabeco vào ngày 28/1, dự tính cũng hút một lượng tiền khoảng 3.000-4.000 tỉ đồng, chỉ số Vn-Index được dự báo xoay quanh mốc 840-880 điểm.

Theo ý kiến của ông Bùi Kiến Thành, cố vấn tài chính cao cấp tập đoàn tư vấn American International Group của Hoa Kỳ tại Hà Nội, thì Vn-Index hiện nay khoảng 800 điểm là hợp lý, khi đó P/E là 20. Còn tỉ lệ P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đang quá cao so với thông lệ quốc tế.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam không phải có sự cố đâu, vẫn ở trạng thái bình thường” - ông Thành bày tỏ.

Nguyễn Hiền