Chứng khoán lao dốc, VN-Index rớt về mốc 1.220 điểm

Mai Chi

(Dân trí) - VN-Index tiếp tục mất hơn 11 điểm trong sáng nay, cắm đầu xuống mốc 1.220 điểm. Cổ phiếu "họ" Vingroup tăng nhưng không đủ sức "cân" chỉ số.

Áp lực bán trên thị trường tiếp tục gia tăng trong phiên sáng nay (15/11), các chỉ số hầu hết vận động dưới vùng tham chiếu. VN-Index lao dốc, cắm đầu về ngưỡng 1.220,42 điểm, ghi nhận mất thêm 11,47 điểm tương ứng 0,93%. Trước đó, chỉ số cũng đã có pha giảm sâu vào chiều qua.

VN30-Index mất 11,43 điểm tương ứng 0,89%; HNX-Index giảm 2,21 điểm tương ứng 0,99% và UPCoM-Index giảm 0,4 điểm tương ứng 0,44%.

Cổ phiếu mất giá đồng loạt, tình trạng sụt giảm lan rộng, trong đó, riêng HoSE có tới 326 mã giảm giá và chỉ có 37 mã tăng.

Thanh khoản cải thiện đáng kể trong bối cảnh phần lớn cổ phiếu chiết khấu cho thấy một bộ phận nhà đầu tư đã chấp nhận giải ngân. Cầu giá thấp giúp khối lượng giao dịch trên HoSE nâng lực mức 359,46 triệu đơn vị tương ứng 8.789,81 tỷ đồng. HNX có 31,7 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 552,71 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 19,58 triệu cổ phiếu tương ứng 222,74 tỷ đồng.

Số mã giảm áp đảo rổ VN30, tuy vậy, họ Vingroup vẫn bật sắc xanh. VRE tăng 1,1%; VIC và VHM tăng nhẹ, lần lượt nhích thêm 0,2% và 0,1%.

Chứng khoán lao dốc, VN-Index rớt về mốc 1.220 điểm - 1

Sắc đỏ choán bức tranh thị trường sáng 15/11 (Ảnh chụp màn hình).

Tình trạng giảm giá trải rộng trên khắp thị trường, tuy nhiên chưa xuất hiện bán tháo. Tại ngành ngân hàng, dù hầu hết cổ phiếu điều chỉnh nhưng mức giảm không lớn. Những mã giảm mạnh nhất tại nhóm "cổ phiếu vua" là MSB, HDB, EIB cùng giảm 2,2%; CTG giảm 1,6%; BID giảm 1,2%. Mã ngân hàng hiếm hoi tăng là SSB với biên độ 0,3%.

Cổ phiếu chứng khoán vốn có tính thị trường cao và rất nhạy với xu hướng. Tại nhóm này có một số mã giảm mạnh như CTS giảm 3,5%; TVB giảm 3,4%; TVS giảm 3,3%; VDS giảm 3%; DSC giảm 2,9%; SSI giảm 2,8%; HCM giảm 2,8%; BSI giảm 2,8%... Dù vậy, không có mã chứng khoán nào giảm sàn trên HoSE sáng nay.

Ngay cả ở nhóm ngành bất động sản, mã giảm mạnh nhất trên sàn HoSE là TDH với mức điều chỉnh 4,1%; KDH giảm 3,7%; NBB giảm 3,4%; NLG giảm 3%, không có cổ phiếu giảm sàn. Thậm chí, ngoài nhóm Vingroup vẫn có một số mã tăng như: VRC tăng trần, TLD tăng 1,9%; KBC tăng 1,4%; SZC tăng 1%; HAR, NTL, CRE tăng nhẹ.

Nhóm điện, nước và xăng dầu khí đốt cũng giảm giá diện rộng và ghi nhận mức giảm sâu tại một số cổ phiếu: SFC, TTE giảm sàn, trắng bên mua; CNG giảm 3,6%; POW, KHP, GEG, TTA đều bị điều chỉnh.

Những mã cổ phiếu đạt hiệu suất cao trong thời gian vừa qua thì nay chịu áp lực chốt lời. "Họ" Viettel đồng loạt bị bán ra khá mạnh: CTR giảm 3,2%; VGI giảm 3,8%; VTK giảm 4,5%; VTP giảm 2,6%.

Tương tự với ngành công nghệ thông tin. Cổ phiếu ST8 và ITD có thời điểm giảm sàn trước khi thu hẹp thiệt hại, lần lượt mất 5,2% và 6,5%. ICT gảim 3,9%; CMG giảm 3,5%; ELC giảm 3%; SAM giảm 2% và FPT cũng giảm 1,8%.

Theo đánh giá của giới phân tích, tín hiệu giảm ở phiên hôm qua đã đưa thị trường rời vùng hỗ trợ và động lực giảm có chiều hướng gia tăng. Dự báo, thị trường sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm điểm trong thời gian tới với vùng hỗ trợ tiếp theo đang là vùng 1.200 điểm.

Do vậy, nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục thận trọng và chờ tín hiệu hỗ trợ cụ thể của dòng tiền trong thời gian tới. Hiện tại, độ ổn định của thị trường thấp và rủi ro tiềm ẩn nên nhà đầu tư cần cân nhắc quản trị danh mục hợp lý, tránh rơi vào trạng thái quá mua.