Chứng khoán hóa: Đi đâu về đâu?
(Dân trí) - Hầu hết các hoạt động chứng khoán hóa vẫn trong tình trạng trì trệ. Rõ ràng không phải tất cả những cải tổ trong lĩnh vực này đều đem lại hiệu quả.
Mặc dù đang cố vật lộn để phục hồi, song lĩnh vực từng mang lại nhiều thành công với CDO (chứng khoán đảm bảo bằng một danh mục các tài sản rủi ro) lại phải đối mặt với hai trở ngại lớn: ngân hàng trung ương rút khoản cứu trợ và một loạt những điều luật hà khắc hơn sẽ được áp dụng.
Hoạt động chứng khoán hóa đã trải qua một quá trình đi từ bùng nổ đến sụp đổ đầy ngoạn mục. Các khoản vay thế chấp, vay mua xe, vay qua thẻ tín dụng cũng như một số loại hình nợ khác bắt đầu được “đóng gói” và bán cho nhà đầu tư trên thị trường vốn từ những năm 1980. Cho đến năm 2006, khoảng 2/3 lượng vốn cho vay thế chấp mua nhà và một nửa tín dụng tiêu dùng của nước Mỹ đã được chuyển hóa theo cách này.
Các quỹ phòng vệ, công ty bảo hiểm và một số tổ chức tương tự nhờ đó cũng có thể mở rộng danh mục đầu tư rủi ro của họ. Tuy nhiên, khi quả bong bóng phình lên tới cực hạn, chất lượng của các khoản vay được chứng khoán hóa ngày càng đi xuống, đặc biệt là vay thế chấp. Số tiền lỗ bắt đầu lớn dần, việc phát hành chứng khoán có tài sản đảm bảo gặp khó khăn buộc chính phủ phải ra tay chống đỡ.
Nhưng giờ đây họ đã bắt đầu thoái lui khỏi một vài phân khúc trong thị trường. Fed đang rút dần hỗ trợ thanh khoản đối với các giao dịch liên quan đến nợ qua thẻ tín dụng và vay mua xe. Ngược lại, thị trường nhà đất vẫn gần như hoàn toàn phải dựa vào sự trợ giúp từ chính phủ mới có thể phát hành và bảo lãnh cho MBS (chứng khoán bảo đảm bằng nợ thế chấp mua nhà).
Trong hai năm qua, không có MBS nhà đất nào bán được mà không cần sự hậu thuẫn đó. Do đó, không hề ngạc nhiên khi tháng trước, chủ tịch diễn đàn chứng khoán hóa của Mỹ, ông Ralph Daloisio đã đề cập đến một cuộc khủng hoảng “tiềm tàng” trong bài phát biểu của mình tại hội thảo hàng năm của các tập đoàn công nghiệp.
Nguyên nhân của sự khan hiếm các sản phẩm chứng khoán hóa do khu vực tư nhân phát hành là cách biệt quá lớn giữa yêu cầu từ phía nhà đầu tư và khả năng chi trả của người đi vay. Với tiêu chuẩn của các nhà đầu tư, để có thể chào bán thành công thì lãi suất mà người đi vay phải trả sẽ lên tới 6,85%, cao hơn nhiều so với khả năng thực tế hiện nay.
Tim Ryan thuộc Hiệp hội chứng khoán và dịch vụ tài chính SIFMA cho rằng cách biệt này chính là “vấn đề cơ bản” của thị trường MBS. Sự muộn màng trong việc thắt chặt tiêu chuẩn của các công ty đánh giá tín nhiệm càng làm cho khoảng trống đó khó lấp đầy hơn.
Các chứng khoán đảm bảo bằng nợ thế chấp do Fannie và Freddie phát hành sẽ sớm trải qua thử thách. Fed đã chi khoảng 1,25 nghìn tỷ USD mua vào các MBS này kể từ năm ngoái, nhờ đó lãi suất được giữ ở mức thấp kỷ lục.
Việc định hình rõ ràng tương lai của lĩnh vực này cũng là mong muốn của các nhà đầu tư. Ở hai bên bờ Đại Tây Dương, các nhà làm luật đang vật lộn tìm cách cân bằng giữa khuyến khích hoạt động chứng khoán hóa phát triển và ngăn chặn những bất ổn nó có thể mang lại cho hệ thống tài chính.
Dự luật điều chỉnh vấn đề này đang gây tranh cãi trong thượng viện Hoa Kỳ. Chỉ có một số ít thượng nghị sĩ phản đối việc yêu cầu cung cấp thông tin chặt chẽ hơn, bao gồm cả thông tin về các khoản vay được mua lại nhằm mục đích giúp nhà đầu tư xác định rõ những người cho vay vô trách nhiệm.
Các nhà điều hành ngân hàng trung ương cũng phát đi lời kêu gọi cải tổ tương tự:họ muốn có dữ liệu chi tiết hơn về những chứng khoán được chấp nhận làm tài sản ký quỹ. Nhưng một yêu cầu trong dự luật buộc người thực hiện chứng khoán hóa phải giữ lại 5% rủi ro tín dụng chưa rõ sẽ đem lại lợi ích gì.
Một số quy định khác như tăng trách nhiệm bảo đảm của tổ chức thực hiện chứng khoán hóa, buộc mua lại các khoản cho vay xấu nếu được thực hiện sẽ khiến nhà phát hành phải e sợ và giữ chặt vốn ko dám cho vay ra đến khi chứng khoán đó đáo hạn.
Một vấn đề khác là điều luật “bến đỗ an toàn”, được tạo ra nhằm đảm bảo cho nhà đầu tư vẫn được nhận lợi tức từ tài sản được chứng khoán hóa ngay cả khi ngân hàng đã phá sản. Luật này chưa chắc đã được thông qua, nhiều nhóm doanh nghiệp đều cho rằng bản xét duyệt do FDIC đề xuất sẽ “đâm một lỗ thủng xuyên qua vòng bảo vệ này”.
Tuy nhiên, điều gây hoang mang nhất chính là số phận của Fannie và Freddie – hai ngân hàng đã được chính phủ tiếp quản từ tháng 9/2008. Tương lai của thị trường và cơ hội cho nhà đầu tư tư nhân sẽ chưa thể định hình cho đến khi khúc mắc này được giải quyết.
Bộ trưởng tài chính Timothy Geithner gần đây đã cam kết sẽ khuyến khích dòng vốn tư nhân quay lại thị trường và rút đi vai trò của chính phủ, nhưng ông không hề đưa ra một chi tiết cụ thể nào.
Và như thế, trong giai đoạn đầy bất ổn hiện nay, “chỉ có kẻ điên mới đi thúc đẩy chứng khoán hóa” - một nhà điều hành ngân hàng bày tỏ.
Hoàng Sơn
Theo Economist