Chứng khoán đang rẻ như hành lá
Giá cổ phiếu mua bán trên thị trường đang rất rẻ. Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM hiện có hơn 51 mã chứng khoán giao dịch có giá dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí có mã giá dưới 2.000 đồng/cổ phiếu. Sàn Hà Nội cũng không kém cạnh với la liệt cổ phiếu giao dịch dưới mệnh giá.
Gần như cho không
Ngày 23/11, giá cổ phiếu của Công ty Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín (SBS) mua bán trên sàn TP.HCM chỉ còn khoảng 1.600 đồng/cổ phiếu. Đó là giá trần, còn giá sàn chỉ có 1.400 đồng. Như vậy, chỉ cần bỏ ra 14.000 đồng nhà đầu tư đã sở hữu được 10 cổ phiếu, tương đương một ổ bánh mì. Thảm hơn, giá này ra chợ khó mua được một nhúm hành lá. Theo dõi trên biểu đồ thống kê, cổ phiếu SBS có gần 15 phiên liên tiếp giảm sàn.
Tình hình cổ phiếu SBS được xem là tiêu biểu cho cổ phiếu ngành tài chính ngân hàng đang mất điểm trong mắt nhà đầu tư. Nhiều công ty chứng khoán trên thực tế cũng đang hoạt động không hiệu quả, phải đóng cửa hoặc mất thanh khoản, không an toàn về tài chính bị Ủy ban Chứng khoán đưa vào dạng kiểm soát đặc biệt.
Nằm trong vòng xoáy, cổ phiếu bất động sản cũng rơi vào diện thoái trào. Đơn cử giá giao dịch ngày 23/11 của cổ phiếu Công ty CP Đầu tư Căn Nhà Mơ Ước (DRH) chỉ còn 2.200 đồng/cổ phiếu. Bảng thống kê điện tử của sàn TP.HCM trong 20 phiên trở lại đây cho thấy giá cổ phiếu này chỉ xoay quanh mức 2.400 đồng/cổ phiếu trở lại.
Chợ chiều
Quang cảnh thị trường chứng khoán lúc này không khác chợ chiều là mấy. Ảm đạm, mất thanh khoản. Nghĩa là các thành phần tham gia thị trường như công ty chứng khoán, nhà đầu tư… dần vắng bóng.
Thước đo sự sôi động thị trường là lượng tiền đổ vào để mua cổ phiếu gần thấp dần, mỗi phiên chỉ khoảng 300 tỉ đồng cho cả hai sàn, chưa bằng 1/3 giá trị của một mình sàn TP.HCM lúc bình thường (1.000 tỉ đồng/phiên).
Hai sàn giao dịch chính đã vậy, còn sàn UPCOM (giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết) gần như bất động. Rõ nhất là trong phiên ngày 22-11, có gần 118 cổ phiếu không có giao dịch hoặc nếu có thì chỉ mua bán vài trăm cổ phiếu. Đáng lưu ý trong nhiều tháng qua, tính thanh khoản thị trường và mức độ quan tâm của nhà đầu tư ở sàn này gần như không có.
Bắt đáy là… bắt dao
Đáy chứng khoán đã thủng khi VN-Index về 383 điểm mà nhà đầu tư không thèm bắt đáy. Trong khi vào các năm trước, nếu chứng khoán về mức này được xem là nằm mơ. Ngay cả các công ty chứng khoán cũng khuyến nghị nhà đầu tư đứng ngoài chờ chứ đừng nhập cuộc. Có công ty còn phân tích bắt đáy mua cổ phiếu lúc này đồng nghĩa với… bắt dao.
“Chứng khoán lúc này giống như hạn hán nên không ai dám gieo hạt để trồng vì sợ mất vốn luôn. Có lời khuyên nhà đầu tư chờ thời cơ nhưng thời cơ thế nào phải xem động thái chính sách, chuyển động thị trường… từ cơ quan quản lý” - ông Dương Thanh Khiết, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Chứng khoán Phương Đông, nhận định.
Trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ đang xem xét ban hành đề án tái cơ cấu thị trường chứng khoán, dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành về căn bản. Phát biểu trên tờ Đầu Tư Chứng Khoán ngày 21/11, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng cũng nói Bộ Tài chính và ủy ban đang xem xét nhiều giải pháp cho thị trường chứng khoán trong năm 2013.
Có thể nói lúc này cả thị trường chứng khoán đang rất trông chờ vào các chính sách giải cứu mới.
100 công ty niêm yết hàng đầu giảm điểm quản trị
Sáng 22/11, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ủy ban Chứng khoán đã công bố kết quả chấm điểm tình hình quản trị thực tế năm 2011 của 100 công ty hàng đầu niêm yết tại hai sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM.
Kết quả cho thấy điểm số quản trị bình quân của các công ty giảm 2,2 điểm phần trăm còn 42,5% so với năm 2011 (năm 2010 là 44,7%, năm 2009 là 43,9%).
IFC cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của các thông lệ quản trị tốt, như chú trọng hơn đến vấn đề bảo vệ quyền của cổ đông và các bên liên quan, tăng cường công khai minh bạch, bảo đảm trách nhiệm của hội đồng quản trị trong giám sát rủi ro. Các cơ quan quản lý cũng cần tăng cường giám sát, thực thi luật định công khai để góp phần tạo chuyển biến trong doanh nghiệp.
Giải pháp cho chứng khoán 2013
- Theo dõi diễn biến thị trường để cân nhắc điều chỉnh tỉ lệ giao dịch ký quỹ, cải thiện thanh khoản.
- Thời gian kiểm soát đặc biệt từ ngày 1/12/2012 sẽ giảm từ sáu tháng xuống bốn tháng nhưng sắp tới có thể chỉ còn một tháng, thậm chí 10 ngày nhằm siết chặt kiểm soát hoạt động, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu các công ty chứng khoán.
- Kiến nghị điều chỉnh các loại thuế, phí phù hợp hơn.
- Triển khai một số sản phẩm mới trong năm 2013, trước mắt là quỹ hoán đổi giao dịch ETF nhằm gia tăng dòng tiền cho thị trường… (Theo ĐTCK) |
Theo Bùi Nhơn
Pháp Luật TPHCM