Chứng khoán châu Á tiếp tục giảm

(Dân trí) - Trong phiên giao dịch ngày đầu tiên của tháng 3, chỉ số chứng khoán trên thị trường châu Á tiếp tục giảm trong khi thị trường Phố Wall (Mỹ) đã hồi phục nhẹ sau khi có những lời trấn an của ông Ben Bernanke, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Giá cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Tokyo bước sang ngày thứ 3 giảm liên tiếp do nhà đầu tư tiếp tục bán tháo cổ phiếu của các công ty xuất khẩu như Toyota vì lo ngại kinh tế Mỹ khủng hoảng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/3, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,9% xuống 17.453,51 điểm, trong khi chỉ số Topix giảm 0,7%, đóng cửa tại 1.740,11 điểm.

 

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng còn nhiều biến động. Mới hôm trước, 28/2, giá trị giao dịch của thị trường chứng khoán Trung Quốc còn tăng gần 4%, sau khi các nhà quản lý tuyên bố chưa áp thuế đối với thu nhập từ đầu tư chứng khoán và Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định rằng chính phủ sẽ có các biện pháp nhằm đảm bảo sự ổn định và an toàn của thị trường vốn trong nước. Nhưng sang ngày hôm sau, 1/3, chỉ số chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Composite Index) giảm 2,9% xuống còn 2.797,19 điểm, do tâm lý lo ngại việc phục hồi quá nhanh trong phiên trước khiến giá cổ phiếu trở nên quá cao so với cổ phiếu của các thị trường mới nổi khác.

 

Sau khi nghỉ một ngày, thị trường chứng khoán Đài Loan mở cửa trở lại với chỉ số giảm 2,46%, trong khi thị trường Seoul nghỉ lễ. Chỉ số Hang Sent của Hồng Kông giảm 0,5% vào cuối buổi sáng ngày 1/3 trong khi giá cổ phiếu của Australia vẫn ổn định.

 

Sau hai ngày giảm mạnh, thị trường chứng khoán châu Âu phục hồi nhẹ trong ngày 1/3.

 

Chỉ số FTSE Eurofirst 300 tăng 0,3% lên 1.485,87 điểm, nhưng vẫn giảm 4,1% so với mức 1.550,34 của hôm 26/2.

 

Chỉ sau một đêm, thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục nhẹ sau khi ông Bernanke trấn án các nhà đầu tư rằng viễn cảnh kinh tế Mỹ vẫn khả quan. Ông khẳng định với Quốc hội rằng các thị trường tài chính vẫn “hoạt động tốt và bình thường” và bác bỏ những lo ngại về tính thanh khoản của cổ phiếu.

 

Tuy nhiên, giới phân tích tiếp tục cảnh báo về các nguy cơ và cho rằng thị trường giao dịch vẫn còn bất ổn.

 

Nhà chiến lược chứng khoán toàn cầu Ian Scott của công ty đầu tư Lehman Brothers cho rằng còn quá sớm để nói rằng tình hình đã ổn định trở lại, nhưng ông cũng không nhìn nhận việc cổ phiếu sụt giá gần đây là sự khởi đầu cho một đợt điều chỉnh lớn trên thị trường.

 

Tại thị trường Phố Wall (Wall Street), chỉ số S&P 500 tăng 0,6% sau khi đã giảm 3,5% trong phiên giao dịch ngày 27/2. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,4%, đóng cửa tại 12.268,63 điểm.

 

Tình trạng bất ổn hiện nay trên thị trường khiến giao dịch chứng khoán phái sinh futures và options vì các nhà đầu tư muốn tăng lợi nhuận và phân tán rủi ro.

 

Thay vì đại diện cho cổ phần của người sở hữu như cổ phiếu, hay cam kết trả nợ như trái phiếu, mỗi hợp đồng futures hoặc option thường được cách ly khỏi một sản phẩm gốc nào đó một vài cấp. Chứng khoán phái sinh futures và options có thể là công cụ giảm rủi ro. Đó là khi các hộ nuôi cam kết bán cá ở một mức giá tốt ngay từ bây giờ (futures) sẽ được bảo vệ quyền lợi nếu giá giảm, trong khi nhà đầu tư sở hữu quyền mua (options) trên những cổ phiếu họ sở hữu thì có thể bù đắp một phần thua lỗ của mình nếu thị trường sụp đổ. Tuy nhiên, thị trường futures và options rủi ro cao và lợi nhuận không thể đoán trước.

 

Như Tùng

Theo Financial Times