1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hà Nội:

Chung cư cũ nát báo động nguy hiểm “cấp D” sẽ buộc phải tháo dỡ

(Dân trí) - Những chung cư cũ nát có mức độ nguy hiểm cao tới đây sẽ bị buộc phải tháo dỡ mà không cần xin ý kiến của chủ sở hữu.

Chiều ngày 6/11, Đoàn công tác của Bộ Xây dựng do Thứ trưởng Lê Quang Hùng làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội về việc chăm lo điều kiện ở tốt nhất cho người dân đô thị. Đặc biệt, đoàn công tác quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân đang sinh sống tại các khu chung cư cũ đã ở mức báo động nguy hiểm cấp D.

Theo số liệu thống kê của sở xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1516 chung cư cũ với quy mô từ 2 đến 5 tầng, cơ bản được xây dựng từ năm 1954 đến năm 1990. Các chung cư cũ được bố trí rải rác khắp các nơi, tập trung chủ yếu ở các quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân... Hầu hết các khu chung cư cũ đã được chuyển đổi từ hình thức sở hữu Nhà nước sang sở hữu tư nhân theo Nghị định 61/CP, đến nay đã hết niên hạn sử dụng và xuất hiện tình trạng nguy hiểm với hệ thống hạ tầng xuống cấp.

Chung cư cũ nát báo động nguy hiểm “cấp D” sẽ buộc phải tháo dỡ

Chung cư cũ cở Hà Nội có mức độ nguy hiểm báo động "mức D" sẽ bị buộc phải tháo dỡ mà không cần phải xin ý kiến của chủ sở hữu

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Trong khoảng 10 năm gần đây, thành phố Hà Nội đã bố trí kinh phí thực hiện kiểm định chất lượng hiện trạng đối với 162 công trình chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp để lọc ra những công trình nguy hiểm cấp D, tổ chức di dời và cải tạo, xây dựng lại theo quy định của Luật Nhà ở.

Tuy nhiên, đến nay chưa có cơ quan nào thực hiện việc tập hợp, thống kê cũng như nắm được đầy đủ tình hình chất lượng phục vụ công tác quản lý và cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.

Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, từ tháng 9/2014, Đoàn khảo sát chung cư cũ (do Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội phối hợp với các quận, huyện thực hiện) đã tiến hành kiểm tra, đánh giá sơ bộ chất lượng hiện trạng của 1.467 công trình chung cư cũ do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý.

Qua khảo sát, tình trạng cơi nới diễn ra phổ biến ở các chung cư cũ đã làm ảnh hưởng lớn đến việc thoát nạn khi xảy ra sự cố hỏa hoạn và làm tăng tải trọng công trình, trong khi hầu hết các chung cư cũ đều không có hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Từ kết quả khảo sát mức độ nguy hiểm của các khu chung cư cũ trên địa bàn, đặc biệt từ thực tế triển khai tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn mong muốn Bộ Xây dựng và Chính phủ quan tâm, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Hà Nội trong việc thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nhằm đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước – người dân và doanh nghiệp. Phó

Thành phố cũng đang triển khai các chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành nhằm giảm tải dân số cho khu vực trung tâm.

Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng sớm xây dựng tiêu chí xác định nhà chung cư cũ xuống cấp cần cải tạo, xây dựng lại, có tiêu chí xuống cấp về hạ tầng đô thị, môi trường sống ngoài tiêu chí về cấp độ an toàn công trình.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cần thống nhất bổ sung vào Luật Nhà ở sửa đổi điều khoản khi 2/3 tổng số chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý việc cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thì thực hiện cưỡng chế di dời số hộ còn lại nếu cố tình không chấp hành quy định của pháp luật. Thành phố đề nghị Chính phủ cho phép lập Đề án "Khảo sát, đánh giá khả năng kháng chấn nhà tập thể, chung cư cũ nằm trong vùng có động đất" và lập Đề án "Tổng kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng, đề xuất giải pháp xử lý đối với nhà chung cư cũ, phục vụ chỉnh trang đô thị và cải thiện không gian sống cho người dân".

Đồng quan điểm với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh, tới đây Bộ và Thành phố sẽ khẩn trương xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn sao cho phù hợp, theo hướng sẽ buộc phá dỡ những nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp D, không phải xin ý kiến của chủ sở hữu. Đối với những nhà chung cư cũ hết niên hạn cũng sẽ được phá dỡ, xây dựng lại. Tuy nhiên, cần có đơn vị chức năng tiến hành khảo sát, kiểm định làm rõ về hạ tầng, tuổi thọ, kết cấu chịu lực của các chung cư này trước khi kết luận chính xác về niên hạn để cơ quan quản lý ra quyết định phá dỡ.

Lê Tú
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm