1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Hà Nội:

Chung cư cao cấp “soán ngôi” thị trường

(Dân trí) - Quy luật rút ra từ thị trường nhà đất dù trầm lắng hay sôi động thì giá cả vẫn chỉ có hướng duy nhất là… tăng. Vậy nên, hiện nhiều người vẫn mạnh tay đầu tư “ôm” các căn hộ đẹp nhất thay vì “săn” chung cư bình dân vì hứa hẹn mức lãi lớn hơn nhiều.

Thị trường “khát” căn hộ cao cấp

Thờ ơ với diễn biến mới nhất trên thị trường TPHCM, tình hình nhà đất tại Hà Nội vẫn giữ nhịp điệu bình bình. Chung cư vẫn là tâm điểm của thị trường nhưng nguồn cung không thay đổi bởi chưa thấy bóng dự án mới, các giao dịch chỉ còn xoay quanh những khu nhà cao cấp.

Theo ông Nguyễn Tài Tiến, phụ trách văn phòng nhà đất, Công ty kinh doanh và phát triển nhà Hà Nội, không khí mua bán nhìn qua có vẻ “khả quan”, người có nhu cầu đến hỏi khá nhiều.

Nhiều khu dự án mới “nhăm nhe” hình thành như khu Dịch Vọng, khu 81 Láng Hạ, dự án Nam Sông Đà (các toà nhà 25-32 tầng, nội thất căn hộ cao cấp) dù chưa xây dựng giá, chưa công bố bán, người mua đã hỏi nhao nhao. Dự kiến, mức “giá sàn” ở những khu này cũng tầm 17-18triệu đồng/m2.

Trung Hòa - Nhân Chính vẫn đứng hàng “top” về sức hấp dẫn thị trường nhưng cũng chỉ có nghĩa với những tòa cao ốc 24-34 tầng. Giá bán đã “nhón” thêm một mức, từ 21 triệu đồng lên 23 triệu đồng/m2. Các khu đô thị “Tây 99%” như The manor, Golden WestLake, tòa nhà 82 Lý Thường Kiệt… mức giá trên thị trường còn cao gấp đôi.

Ông Tiến phân tích về khía cạnh tâm lý khách hàng, nhu cầu hiện tại của người dân: Người ta có xu thế hướng tới yêu cầu về chất lượng không gian sống, nội thất, thiết kế. Giá cả không phải là yếu tố đặt ra đầu tiên. Vì vậy, chung cư cao cấp lại “lên ngôi”.

Tuy nhiên, vì hiện tại chưa có thêm nguồn “cung”, các dự án mới chưa bung ra nên phần nhiều giao dịch mới chỉ dừng lại mức độ “dò hỏi”, tỷ lệ mua bán thực tế không cao.

Giao dịch ở các căn hộ cao cấp thời gian này là hoạt động chủ đạo trên thị trường, ngược lại với xu hướng “săn” chung cư bình dân một vài tháng trước. Không có thêm nhà mới, những căn hộ tầm trung và nhà tái định cư gần như “dậm chân tại chỗ”, ít người quan tâm.

Đất thổ cư “èo uột”

Đất nền vẫn giữ giá nhưng hoạt động mua bán cũng chỉ có ở khu vực nhà có giá trị lớn, khoảng 2 tỷ đồng/căn trở lên, đi lại thuận lợi, ngõ vào thoáng rộng.

Đất thổ cư ở những khu vực “hot” như Đống Đa, Ba Đình, Trung Yên - Cầu Giấy “đội giá” hơn đôi chút so với những vị trí khác, dao động trong khoảng 35-38 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, nhu cầu có thực nhưng số lượng rất ít nên giao dịch thực tế khá trầm.

Với người chọn mua đất thổ cư, những vị trí bám đường lớn vẫn đắt giá hơn nhiều so với những khu vực mới, sẵn quy hoạch và cũng không xa trung tâm.

Ngược với kỳ vọng của nhiều nhà kinh doanh thời gian trước, các lô đất ở khu vực Dịch Vọng (đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài) đến nay vẫn chưa nhích giá, duy trì qua nhiều tháng mức 30 triệu đồng/m2 mà lượng người hỏi han lại giảm hẳn “nhiệt”. Nguyên nhân được lý giải là vì khu vực này vẫn còn rất vắng dân.

Biệt thự phân lô tại các khu đô thị mới cũng trong tình trạng “dậm chân” tương tự. Giá mỗi lô đất biệt thự lên tới nhiều tỷ đồng, theo dân kinh doanh thì rất kén khách mua.

Nhìn chung, không khí mua bán ở khu vực đất nền, đất thổ cư “èo uột” hơn nhiều so với khối chung cư. Nhiều người kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp ở Hà Nội cùng chung một nhận định thị trường có nhu cầu nhưng giao dịch vẫn ít, nhà đất giữ giá.

So với vài ba tháng trước đây, mức giá có nhích lên khoảng 5-8% là theo diễn biến thường lệ của thị trường dịp cuối năm. Dự báo được đưa ra cho thị trường cuối năm, tình hình giao dịch, giá cả sẽ tiếp tục bình ổn.

Phương Thảo