Chưa thả nổi thị trường hàng không
Còn yếu tố độc quyền, thị trường hàng không chưa thả nổi, là khẳng định của lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam về cơ chế điều hành, quản lý khung giá cước vận chuyển hành khách trên đường bay nội địa vừa được Bộ Tài chính ban hành.
Ngoài thời điểm khá nhạy cảm (giáp chiến dịch vận tải Tết Âm lịch 2012), đợt điều chỉnh khung giá cước này có biên độ rất lớn và phương thức quản lý giá cũng hoàn toàn mới.
Theo đó, mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách hạng phổ thông trên đường bay nội địa chưa bao gồm thuế VAT là 5.000 đồng/khách/km. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1/1/2012, các hãng hàng không sẽ được bán vé mức tối đa là 3.000 đồng/km bay.
Liên quan tới phương thức quản lý giá, Bộ Tài chính cho phép Cục Hàng không Việt Nam hướng dẫn xác định giá vé áp dụng thống nhất cho các hãng hàng không phù hợp với từng thời kỳ và cụ thể hóa mức tối đa giá vé theo 5 cự ly vận chuyển, đồng thời công bố danh mục các đường bay theo nhóm cự ly.
“Việc xem xét mức điều chỉnh cụ thể trong từng thời gian là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, bởi hiện nay, thị trường hàng không vẫn còn yếu tố độc quyền khi có hãng chiếm tới 70% thị phần. Chỉ khi nào thị trường thực sự cạnh tranh thì việc thả nổi để thị trường điều chỉnh giá vé”, ông Lưu Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Hàng không lý giải.
Được Bộ Tài chính cho phép, Cục Hàng không Việt Nam đã có công văn hướng dẫn các hãng hàng không xác định mức giá cước vận chuyển theo 5 nhóm các đường bay và yêu cầu các hãng quy định giá cước cụ thể với cấu trúc tối thiểu 7 mức giá cho mỗi đường bay.
Cần phải nói thêm rằng, theo trần giá cước hàng không được Bộ Tài chính điều chỉnh hồi tháng 4/2011, mức giá trần trên các cự ly bay đã có mức tăng đáng kể (xem bảng)
Ngay sau khi có quyết định nới trần của Bộ Tài chính, Vietnam Airlines (VNA) thông báo sẽ tăng cao nhất 20% giá vé so với hiện tại và mức giá mới sẽ được áp dụng từ ngày 15/12/2011.
“Dù được nới trần, nhưng Hãng cũng không tăng giá đột biến vào dịp Tết để chia sẻ khó khăn cùng hành khách”, Tổng giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh khẳng định.
Theo đó, VNA tiếp tục bán ra nhiều vé cạnh tranh, thậm chí có vé thấp hơn giá trần hơn 50%. Cụ thể, hãng có tới 10 mức giá khác nhau trong dải giá áp dụng trên các đường bay nội địa. Ví dụ, trên đường bay Hà Nội đi TP.HCM, mức giá cao nhất hạng phổ thông áp dụng là 2.560.000 đồng nhưng hành khách có thể tìm mua được nhiều loại vé khác nhau với mức giá thấp nhất là 1.050.000 đồng tùy thuộc vào thời điểm mua vé và thực hiện hành trình.
Hiện tại, các hãng AirMekong, Jetstar Pacific và Vietjet chưa có bất kỳ động thái nào sau quyết định của Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, việc điều chỉnh khung giá vé lần này dựa trên cơ sở giá thành kinh doanh năm 2010 đã có kiểm toán và giá thành năm 2011 có tính trượt giá của VNA, đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường hàng không nội địa.
“Những chi phí giá xăng dầu, tỷ giá, thuê máy bay, phi công được tính toán để tăng giá trần đã được kiểm toán. Trên thực tế, sẽ có nhiều mức giá vé để người tiêu dùng lựa chọn, không nên nhìn mức giá cao nhất mà còn có những giá thấp hơn trong dải giá”, ông Thỏa trấn an.
Theo Anh Minh
Đầu tư