Chưa duyệt phương án tái cơ cấu Sacombank, Southern Bank, HDBank
(Dân trí) - Theo báo cáo của UBND TPHCM, về đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, TPHCM có 11/14 Ngân hàng TMCP có trụ sở chính trên địa bàn được phê duyệt phương án cơ cấu lại.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Hà Nội "hút" hơn 23 tỷ USD vốn FDI * Táo nhập từ Úc, Niu di lân chỉ chiếm hơn 10% |
Theo báo cáo của UBND TPHCM, về đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, TPHCM có 11/14 Ngân hàng TMCP có trụ sở chính trên địa bàn được phê duyệt phương án cơ cấu lại. 3 ngân hàng chưa được phê duyệt phương án tái cơ cấu bao gồm: Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB), Ngân hàng Phát triển Thành phố HCM (HDBank) và Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).
Tổng vốn điều lệ của 14 ngân hàng đạt 86.772 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 1.192.083 tỷ đồng; tổng nguồn vốn huy động đạt 985.598 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay đạt 611.234 tỷ đồng; tổng nợ xấu tính đến cuối tháng 2/2014 là 45.848 tỷ đồng.
Về tiến độ tái cơ cấu, theo NHNN chi nhánh TPHCM, năm 2012, đã hoàn tất hợp nhất 3 ngân hàng thương mại cổ phần (ngân hàng Đệ Nhất, ngân hàng Việt Nam Tín Nghĩa, Ngân hàng Sài Gòn) thành ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn.
Riêng ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt đang triển khai thực hiện các nội dung theo Đề án tái cơ cấu đã được Thống đốc NHNN phê duyệt dưới sự giám sát của NHNN chi nhánh TPHCM.
Theo UBND TPHCM, đến nay hoạt động của 2 ngân hàng này đã vượt qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản, từng bước đi vào ổn định, nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi.
UBND TPHCM cũng thừa nhận, về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, khó tìm kiếm được nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và quản trị để tham gia vào quá trình tái cơ cấu do tình hình kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước không thuận lợi. Trong khi đó, các chuẩn mực an toàn của tổ chức tín dụng chưa đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế, năng lực quản trị điều hành còn hạn chế nên chưa thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài...
TPHCM đặt mục tiêu, đến năm 2015, trên địa bàn TPHCM sẽ không còn ngân hàng hoạt động yếu kém và bước đầu hình thành một số ngân hàng có quy mô hoạt động tương đương với các ngân hàng thương mại trong khu vực.
DNNN đầu tư ngoài ngành chiếm quá nửa cả nước
Về thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hiện thành phố có 108 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trong đó 15 doanh nghiệp đang thực hiện sáp nhập, giải thể, phá sản, bán; 17 tổng công ty, công ty TNHH một thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; 33 công ty TNHH một thành viên độc lập;…
Thành phố đã phê duyệt đề án tái cơ cấu 14 tổng công ty, công ty; ban hành phương án cổ phần hóa 3/15 doanh nghiệp, tiến hành bán cổ phần lần đầu.
theo đánh giá, sau tái cơ cấu, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định, phần lớn có lãi, số doanh nghiệp thua lỗ chiếm tỷ lệ thấp. Các doanh nghiệp đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn và tài sản, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ổn định và bắt đầu tăng từ năm 2013.
Dù vậy, về tái cơ cấu DNNN, kết quả thực hiện thoái vốn của các tổng công ty, công ty mẹ - con ra khỏi những lĩnh vực không phải ngành nghề kinh doanh chính thời gian qua còn thấp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Đoàn giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu và các thành viên Đoàn giám sát đã ghi nhận những nỗ lực của TP trong việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế.
Đến nay, Thành phố đã giảm tỷ trọng vốn khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội đầu tư tư nhân, khuyến khích đầu tư tư nhân phát triển. Giai đoạn 2011-2013, vốn ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội có xu hướng tăng dần từ 60% lên gần 63%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng từ 15,5% lên hơn 16%.
Tuy nhiên, các ý kiến trong Đoàn giám sát cũng cho rằng, đầu tư ngoài ngành của DNNN tại thành phố quá lớn, lên đến 11.400 tỷ đồng, chiềm hơn một nửa số vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN cả nước (22.000 tỷ đồng), trong khi đó việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp tại thành phố 3 năm 2011-2013 chỉ được 30 tỉ đồng là chậm so với yêu cầu.