Chưa đến thời điểm công bố cam kết WTO
Trước Hội thảo Doanh nghiệp Việt Nam & WTO tổ chức ngày 17/8 tại Hà Nội, rất nhiều người đã hy vọng sẽ có một công bố dù không chính thức về các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Nhưng điều đó đã không xảy ra, các quan chức đều khẳng định: chưa thể công bố.
Còn nhiều thủ tục
Ông Nguyễn Văn Long - Chánh văn phòng Uỷ ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế đã cho biết, hiện nay, chưa phải là thời điểm công bố các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Nói như vậy vì có hai lý do: thứ nhất nếu công bố là vi phạm các quy định WTO.
Hiện nay, bản cam kết gia nhập WTO của Việt Nam đang được luân chuyển cho các đối tác thông qua và sau đó sẽ được hoàn thiện mới có thể công bố được. Các Bộ ngành cũng mong muốn sớm công bố cam kết cho các DN biết và hy vọng điều này sẽ được thực hiện trong tháng tới.
Thứ hai, đến lúc này chúng ta chưa biết chính xác cam kết của Việt Nam sẽ đi đến đâu vì vẫn còn tiếp tục đàm phán. Trong tháng 9 sẽ có một phiên đa phương và hy vọng đây là phiên cuối cùng nhưng điều này không phải Việt Nam muốn là quyết được mà còn phụ thuộc vào các đối tác.
Sau phiên đa phương 12, Việt Nam vẫn còn những vấn đề cần tiếp tục đàm phán trong tháng 9/2006. |
Cũng về vấn đề chậm công bố các cam kết WTO, ông Ngô Trung Khanh-thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ cho biết, một trong những nguyên nhân mà chưa công bố được các cam kết WTO là do chúng ta vẫn chưa có cam kết thống nhất.
Riêng trên lĩnh vực dịch vụ, có 13/28 đối tác đàm phán song phương có yêu cầu đàm phán và cam kết về mở cửa dịch vụ. Đa số là các đối tác lớn như Mỹ, EU, Úc... họ gây sức ép nhiều cho chúng ta trên bàn đàm phán. Mỗi đối tác có một yêu cầu riêng và chúng ta có những nhượng bộ riêng.
Ban thư ký WTO và Việt Nam sẽ tổng hợp những cam kết từng đối tác riêng thành một bản thống nhất để sớm công bố cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi liệu Việt Nam có thể gia nhập WTO vào thời điểm 11/10/2006 như tuyên bố của ngài chủ tịch Ban công tác về việc gia nhập WTO của Việt Nam tuyên bố hay không? Ông Long cho rằng, điều mà chúng ta nên quan tâm hiện nay là phải làm gì sau khi gia nhập WTO hơn là việc gia nhập WTO vào ngày nào.
Bởi vì, đến lúc này việc nhanh chậm 1-2 tháng không có ý nghĩa nhiều về mặt kinh tế. Hiện nay, Chính phủ cũng rất quan tâm đến việc thực hiện các cam kết gia nhập WTO và giao cho Bộ Thương mại là đầu mối xây dựng chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện cam kết WTO.
Mới chỉ có thể thông báo về những nét chính
Tuy chưa thể công một cách cụ thể và chính thức về các cam kết gia nhập WTO, nhưng ông Long cũng đã cho biết những nét cơ bản trong cam kết đa phương gia nhập WTO của Việt Nam.
Theo đó, Việt Nam cam kết không phân biệt đối xử, đồng thời dành quy chế đối huệ quốc cho các đối tác thông qua các cam kết đàm phán.
Cam kết tuân thủ những Hiệp định cơ bản của WTO, bao gồm các nghi định liên quan đến trị giá tính thuế, thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Một số Hiệp định khác không bắt buộc nhưng được khuyến khích tham gia như Nghị định về mua sắm của Chính phủ...
Việt Nam cũng cam kết bãi bỏ hạn chế về số lượng và trợ cấp xuất khẩu. Một trong những cam kết này là Việt Nam sẽ bỏ trợ cấp nông nghiệp ngay sau khi gia nhập WTO.
Đây là một cam kết mạnh mẽ và dũng cảm của Việt Nam vì xét cho cùng Việt Nam vẫn là một nước sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, có tỷ lệ dân số sống trong khu vực nông nghiệp và nông thôn lớn.
Cam kết công khai các cơ chế chính sách về thương mại, chính sách về DN nhà nước. WTO không cấm DN nhà nước nhưng cấm phân biệt đối xử và cấm độc quyền.
Về đàm phán song phuơng, Việt Nam đã đàm phán với 28 đối tác trong tổng số 150 thành viên WTO. Đây là những đối tác quan tâm đến thị trường Việt Nam và chủ yếu là các đối tác lớn như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,Canada, Mỹ...
Trong lĩnh vực hàng hoá, đàm phán song phương tập trung vào vấn đề cắt giảm thuế và phi thuế. Theo đó, sẽ cắt giảm 10.600 dòng thuế trong tổng số khoảng 11.000 dòng thuế của Việt Nam.
Các sản phẩm nông nghiệp giảm thuế xuống còn trung bình 21% so với mức 31,6% hiện nay, giảm 10,6%. Công nghiệp cam kết mức thuế chung là 12,6% cắt giảm 23,9% so với mức 36,5% hiện nay. Đồng thời cam kết dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan.
Trong dịch vụ, Việt Nam cam kết mở cửa 11/12 ngành dịch vụ, mở cửa 110/155 phân ngành. Đây là một cam kết khá sâu rộng nhưng được xem là một mức cam kết vừa phải. (Trung Quốc cam kết mở 99 phân ngành thụôc 10 ngành dịch vụ).
Doanh Nghiệp cần những thông tin cụ thể
Không hẳn là thông tin chính thức, nhưng những thông tin về các cam kết dịch vụ được người “trong cuộc” như ông Khanh cung cấp lại được nhiều DN quan tâm hơn cả. Đơn giản nó đề cập đến những thông tin cụ thể liên quan đến quyền lợi sát sườn của DN.
Theo thông tin mà ông Khanh cung cấp thì không nên quá lo lắng trước những cam kết mở cửa nhất là cam kết trong lĩnh vực dịch vụ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì những cam kết của chúng ta vẫn còn giữ được những khoảng trống để Chính phủ điều hành linh hoạt và DN nhỏ trong nước vẫn còn những cơ hội phát triển.
Một ví dụ được ông Khanh đưa ra: trong lĩch vực phân phối, Việt Nam cam kết từ 2008 DN nước ngoài được liên doanh không hạn chế, từ 2009 được thành lập DN phân phối 100% vốn nước ngoài.
Thực tế, thông tin này đã gây nên lo ngại về một làn sóng ồ ạt các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu hiểu đúng các cam kết thì thực tế sẽ không dễ xảy ra như thế. Cụ thể, trong Hiệp định BTA, Việt Nam đã có một điều kiện quan trọng là giữ được quyền kiểm tra nhu cầu thực tế.
Điều này có thể hiểu là, một DN phân phối của Mỹ lập cơ sở phân phối đầu tiên ở Việt Nam, nhưng không thể thoái mái mở cơ sở thứ 2. Muốn mở cơ sở thứ 2 trở đi, DN đó phải xin phép và trên cở các điều kiện thực tế cơ quan quản lý có thể đồng ý hay từ chối với những lý do xác đáng nhất.
Một ví dụ khác, trong ngành ngân hàng, theo cam kết, các ngân hàng nước ngoài được thiết lập mạng lưới kinh doanh tại Việt Nam nhưng để mở một chi nhánh, các ngân hàng phải xin phép và đặt cọc mỗi chi nhánh 15 triệu USD. Nếu mở 10 chi nhánh là 150 triệu USD-một khối lượng vốn lớn khiến các nhà kinh doanh phải tính toán kỹ, không thể mở ồ ạt khi chưa chắc chắn.
Ông Khanh cho rằng, với những quy định này, nếu DN Việt Nam biết tận dụng lợi thế sân nhà, nắm được tâm lý mua bán thuận tiện, gần nhà của người dân thì hoàn toàn có cơ hội phát triển. Câu chuyện Wall Mart phải rút khỏi thị trường bán lẻ Hàn Quốc có thể là bài học cho DN Việt Nam tham khảo.
Sau khi nghe những thông tin này, Giám đốc một DN kinh doanh thực phẩm đã nói, đây là lần đầu tiên tôi được nghe phân tích sâu về những cam kết.
Đây chính là những thông tin DN nghiệp cần từ các bản cam kết-đó là những thông tin cụ thể, liên quan đến lợi ích kinh doanh của từng DN, từ đó DN biết để điều chỉnh kinh doanh một cách phù hợp.
Bộ Thương mại nói, đã cung cấp thông tin về đàm phán nhiều cho DN qua những lần gặp gỡ, hội thảo nhưng đó mới chỉ là những thông tin chung nhất. Cái DN cần là những chi tiết cụ thể, có tác động đến kế hoạch kinh doanh của từng DN thì vẫn phải chờ dù thời điểm gia nhập WTO được dự báo đã đến rất gần.
Theo Phước Hà
VietNamnet