1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chú ý tập quán kinh doanh với Trung Đông và Châu Phi

(Dân trí) - Đó là nhận định của ông Nguyễn Công Hiến Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Phi, Tây Á- Nam Á (Bộ Công Thương) với mục đích hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang 2 thị trường này.

Chú ý tập quán kinh doanh với Trung Đông và Châu Phi - 1
Ông Nguyễn Công Hiến trả lời báo chí bên lề Hội thảo.

Sáng nay 27/4 tại TP Cần Thơ, Hội thảo “Xuất khẩu vào thị trường Trung Đông và Châu Phi” đã khai mạc. Ông Nguyễn Công Hiến đánh giá thuận lợi ở 2 khu vực này là Việt Nam đều có mối quan hệ với các nước; pháp lý tương đối đầy đủ; thị trường 2 khu vực ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính; càng ngày các nước càng quan tâm đến Việt Nam.

Đối với khu vực Trung Đông, theo ông Hiến thì có một số đặc điểm thuận lợi như nằm giữa 3 châu lục; với dân số hơn 250 triệu người; khu vực được coi là giếng dầu trên thế giới; nhập khẩu tăng qua các năm, xu hướng mở cửa thị trường ngày càng gia tăng… sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng của mình.

Một số nước như U.A.E, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel… được xem là những thị trường trọng điểm của Việt Nam. “Nhưng chúng ta vẫn còn gặp những rào cản về pháp lý, rào cản kỹ thuật và trong đó tập quán kinh doanh là vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý” - ông Hiến nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiến, các nước này chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân; thanh toán theo hình thức L/C, DP; nhập hàng theo hình thức đại lý; thuế 0 - 5%; cấm nhập rượu, bia, đồ uống có cồn, thịt lợn, các vật dụng bằng da lợn (U.A.E).

Thị trường Thổ Nhĩ Kỳ là nước hay kiện chống phá giá; quy định về nhãn mác chặt chẽ. Với Israel thì nhãn mác hàng hóa phải viết bằng tiếng Herbrew; quy định hạn ngạch nhập khẩu… Đó sẽ là những khó khăn lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam và cần phải tháo gỡ.

Với khu vực Châu Phi, ông Hiến đánh giá, có 53 quốc gia, 967 triệu người, có nhu cầu về công nghệ và hàng hóa nông sản, hàng tiêu dùng, yêu cầu chất lượng không quá khắt khe, ưu đãi về thuế… là điều kiện thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng mà các nước Châu Phi đang cần.

Tuy nhiên, một số khó khăn về tình hình an ninh bất ổn ở một số quốc gia, sức mua thấp, khả năng thanh toán hạn chế, thông tin liên lạc khó khăn, mạng lưới đại diện thương mại của Việt Nam con quá mỏng (5/53 nước)… cũng là rào cản cho Việt Nam.

Một số tập quán kinh doanh như chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, thanh toán theo L/C, DP; nhập hàng theo hình thức đại lý cũng là một số đặc điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét, tìm hiểu rõ.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm