1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xử lý tình trạng tôm tạp chất:

Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu: “Ký cam kết thì phải quyết liệt, chứ nói mà không làm thì không hiệu quả gì đâu”.

(Dân trí) - “Lực lượng làm nhiệm vụ một số nơi bị mua chuộc, tôi khẳng định là có. Chuẩn bị ra quân, đi đâu là biết liền. Tin báo tố giác có nhưng khi xuống thì không có, nên đề nghị Chủ tịch các địa phương cần kiểm điểm lại vấn đề này”, Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung yêu cầu rõ trong vấn đề xử lý tình trạng tôm tạp chất trên địa bàn tỉnh này.

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa tổ chức sơ kết đề án kiểm soát ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản suất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Hơn 21 tấn tôm tạp chất bị phát hiện

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, cùng với sự phát triển của ngành tôm thì tình trạng bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu cùng hình thành và diễn biến ngày càng phức tạp.

Tình trạng của việc bơm chích tạp chất làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, chất lượng của sản phẩm tôm Việt Nam nói chung và của tỉnh Bạc Liêu nói riêng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tình hình bơm tích tạp chất và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có chứa tạp chất trên địa bàn hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng.

Một vụ bắt bơm chích tạp chất vào tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Một vụ bắt bơm chích tạp chất vào tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Hơn một năm qua, các cơ quan chức năng trong tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện 120 trường hợp vi phạm tôm có chứa tạp chất, với số lượng trên 21 tấn (trong đó, có 44 trường hợp tổ chức bơm chích tạp chất vào tôm, 28 trường hợp thu gom tôm có chứa tạp chất, 48 trường hợp vận chuyển tôm có chứa tạp chất); loại tạp chất được bơm vào tôm chủ yếu là Agar (rau câu) và CMC. Các ngành chức năng cũng đã xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 5 tỷ đồng.

Đại tá Nguyễn Văn Hận - Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, qua rà soát, trước khi có đề án kiểm soát tôm tạp chất, tỉnh xác định có 711 cơ sở thu mua, sơ chế tôm nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, trong đó có 361 cơ sở có biểu hiện nghi vấn liên quan đến tôm tạp chất. Các đơn vị chức năng đã cho 361 cơ sở này ký cam kết không tổ chức bơm chích tạp chất, thu mua, vận chuyển sản phẩm tôm tạp chất.

“Thời điểm ngày 15/7/2018 có 156 cơ sở và đến 30/9/2018 còn 134 cơ sở nghi vấn về tôm tạp chất đang hoạt động”, Đại tá Hận thông tin thêm.

Lực lượng chức năng Bạc Liêu bắt một xe đang vận chuyển tôm tạp chất.
Lực lượng chức năng Bạc Liêu bắt một xe đang vận chuyển tôm tạp chất.

Nhiều thủ đoạn tinh vi đối phó cơ quan chức năng

Đánh giá công tác xử lý tôm tạp chất, Đại tá Lê Tấn Tới- Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu đặt vấn đề: “Chúng ta đã xử lý như thế, từng địa bàn ký cam kết, các ngành liên quan vào cuộc,… nhưng vấn đề đặt ra là vì sao vẫn còn tôm tạp chất. Là do chúng ta thiếu phương tiện, thiếu lực lượng, phương pháp đấu tranh chưa ổn, chưa thật sự quyết liệt, hay tại đối tượng hoạt động quá tinh vi”.

Theo Đại tá Dương Trung Trực- Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Bạc Liêu), do bị đấu tranh, xử lý quyết liệt nên các đối tượng tổ chức bơm chích, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất đã nhận thức rõ việc đưa tạp chất vào tôm là vi phạm pháp luật, bị lên án. Từ đó, sẽ có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn như tổ chức nơi hẻo lánh (chỉ có một con đường độc đạo,…), cử người canh gác khi phát hiện người lạ là cảnh báo, nhà hoặc điểm làm cửa nhiều lớp có tường rào bao quanh (có nuôi chó rất nguy hiểm, lực lượng chức năng muốn đột nhập vào rất lâu nên các đối tượng dễ tẩu tán tang vật, dẫn đến khó bắt không được quả tang), hạn chế thuê mướn người lao động mà dùng máy bơm tạp chất để đạt tốc độ nhanh hơn,… gây khó khăn trong phát hiện, triệt phá.

“Còn một số nhà máy lén lút mua tôm có tạp chất, thậm chí phát hiện một số công ty, doanh nghiệp không đem hàng về công ty mà thuê mướn ở nơi khác, sơ chế rồi xuất hàng luôn tại chỗ”, Đại tá Trực nói.

Bắt tôm tạp chất ở Bạc Liêu.

Bà Phan Thị Thu Oanh- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cho biết, một trong những khó khăn là lực lượng công tác thanh tra chuyên ngành khó tiếp cận các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, đây là điểm đến cuối cùng của tôm nguyên liệu có chứa tạp chất.

“Khi kiểm tra phải qua thủ tục ở khâu bảo vệ, cá biệt có trường hợp bảo vệ không cho vào, hẹn khi khác đến kiểm tra vì không có Giám đốc ở nhà máy; trong khi nhà máy có nhiều khu vực mà cơ quan chức năng chỉ được kiểm tra ở khâu tiếp nhận nguyên liệu hoặc chế biến, còn các khu vực khác chỉ được kiểm tra khi có quyết định khám xét”, bà Oanh nêu vấn đề.

Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai Đỗ Minh Thắng thì cho rằng, trong thực thi nhiệm vụ, có một số cán bộ “chưa tốt lắm”, làm lộ bí mật thông tin, có cả hiện tượng đối tượng còn lợi dụng dùng tiền mua chuộc cán bộ để làm ngơ, bỏ qua cho hoạt động vi phạm. “Giá Rai có một trường hợp, khi bắt rồi, Phó Chủ tịch xã xác nhận hộ này kinh tế khó khăn nên đề nghị miễn xử phạt, tôi đề nghị phải kỷ luật”, ông Thắng nói.

Còn Chủ tịch UBND huyện Phước Long- ông Phan Thanh Hải băn khoăn: "Bắt những hộ nhỏ lẻ như đập đuôi con rắn, chứ chưa đập trúng đầu, mà vấn đề ở đây là những cơ sở lớn nhưng chưa xử lý được".

Điều chuyển, hạ chức cán bộ, công an nếu bao che vi phạm

Theo Chủ tịch UBND thị xã Giá Rai, bắt tôm tạp chất 10 điểm nhỏ lẻ chưa bằng một nhà máy chế biến. Tuy nhiên, đối với nhà máy chế biến thủy sản, cấp địa phương không vào kiểm tra được, do đó đề nghị phải có sự phối hợp chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc còn nơi mua thì sẽ còn việc bơm chích tôm tạp chất, nhưng nếu làm quyết liệt thì tôm tạp chất sẽ chạy từ địa bàn này qua địa bàn khác. Do đó, cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương với nhau.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý tình trạng tôm tạp chất.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương cần phải quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý tình trạng tôm tạp chất.

Qua đánh giá của các Sở, ngành, địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung nói thẳng: “Tôi thấy địa bàn quản lý chưa làm tốt. Việc bơm chích tạp chất trong đó Chủ tịch xã, Công an xã biết không, tôi khẳng định là biết, vấn đề là có làm quyết liệt hay không”.

“Lực lượng làm nhiệm vụ một số nơi bị mua chuộc, tôi khẳng định là có. Chuẩn bị ra quân, đi đâu là biết liền. Tin báo tố giác có nhưng khi xuống thì không có. Công an tỉnh phát hiện, bắt là chủ yếu, trong khi tỉnh ở xa cơ sở nhất, có thể ở cấp dưới có "mối quan hệ" hơn cấp tỉnh, nên đề nghị Chủ tịch các huyện, thị, thành phố cần kiểm điểm lại vấn đề này”, ông Trung quyết liệt.

Theo Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, vừa qua các Chủ tịch huyện, Chủ tịch xã đã ký cam kết hết rồi, nơi nào để xảy ra tôm tạp chất nhiều thì cũng phải đánh giá việc có hoàn thành nhiệm vụ hay không, chứ nói mà không làm thì không hiệu quả gì đâu.

“Nếu có cán bộ, công an có dấu hiệu dung túng, bao che cơ sở vi phạm thì phải chuyển địa bàn và hạ chức, hạ cấp xuống. Đề nghị ngành công an cho kiểm tra chéo giữa các địa bàn với nhau, để xem có hay không việc bao che của lực lượng ở địa bàn đó”, ông Trung yêu cầu.

Với những doanh nghiệp thủy sản lớn, ông Dương Thành Trung đề nghị cơ quan liên quan làm kiến nghị với Trung ương ủy quyền cho tỉnh, bởi thời gian qua có biểu hiện chích tạp chất vào tôm trong nhà máy chế biến, chích ngay trên xe vận chuyển. “Chính những doanh nghiệp to mới có quyền quyết định trong cuộc chơi này, do đó ngành công an cân nhắc bố trí lực lượng xử lý vài vụ lớn để làm nghiêm”, ông Trung chỉ đạo.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu thời gian tới các ngành chức năng, địa phương cần phải làm nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa. “Vấn đề này không đơn giản chỉ là tôm tạp chất, mà còn là danh dự, uy tín của mặt hàng tôm Việt Nam”, ông Trung nhấn mạnh.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm