Chủ tịch Quốc hội: Việt Nam sẽ mở rộng không gian kinh doanh, khơi gợi tiềm năng của doanh nghiệp
(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội cho biết, nối tiếp những thành công hơn 30 năm qua, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, tăng cường bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh, khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp.
Phát biểu tại Phiên khai mạc Đại hội Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ XIV (Đại hội ASOSAI 14), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, Đại hội lần này là dấu mốc mang tính lịch sử của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, đó là lần đầu tiên được vinh dự đăng cai sự kiện quan trọng này.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trải qua hơn ba thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Từ một nước kém phát triển, nay Việt Nam đã trở thành một nước có nền kinh tế đang phát triển ở mức thu nhập trung bình với độ mở cao và ngày càng gắn kết chặt chẽ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cũng như các khu vực khác trên thế giới.
"Nối tiếp những thành công hơn 30 năm qua, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện và đồng bộ hơn, trong đó chú trọng đến việc hoàn thiện thể chế, pháp luật, tăng cường bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh, khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp, của người dân để tham gia phát triển đất nước, cũng như tăng cường trách nhiệm thực thi và đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật", bà Ngân nói.
Theo Chủ tịch Quốc hôị, cùng với quá trình đổi mới toàn diện, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thời gian qua, Việt Nam đã đăng cai, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng, như: Diễn đàn Kinh tế thế giới về Đông Á (năm 2010), Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới IPU 132 (năm 2015), Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm 2017, Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) và gần đây nhất là Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN.
"Đại hội ASOSAI 14 năm 2018 được đánh giá là một sự kiện ngoại giao chuyên môn cấp cao hết sức quan trọng của khu vực châu Á. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức sự kiện có quy mô lớn trong lĩnh vực kiểm toán công với sự tham gia của các đoàn đại biểu quốc tế đại diện cho các cơ quan kiểm toán tối cao đến từ 46 quốc gia thuộc khu vực Châu Á", bà nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết thêm, năm 2018 cũng đánh dấu 24 năm trưởng thành và phát triển của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam. Hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng là yêu cầu tất yếu giúp Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nhanh chóng tiếp cận, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm tiên tiến và thông lệ tốt về lĩnh vực kiểm toán công của thế giới để nâng cao năng lực hoạt động chuyên môn.
Đồng thời tạo cơ hội để Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tham gia, đóng góp một cách tích cực, hiệu quả cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao trong khu vực và trên thế giới.
"Trong thời gian tới, tôi mong muốn Kiểm toán Nhà nước Việt Nam không ngừng tăng cường sự công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại hóa trong hoạt động, xây dựng đội ngũ kiểm toán viên có đạo đức nghề nghiệp, công minh, chính trực, “nghệ tinh, tâm sáng”, được trang bị phương pháp kiểm toán hiện đại. Trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam phải tiếp tục phát huy vai trò bảo vệ pháp luật, bảo vệ sự liêm chính của toàn hệ thống trong quản lý tài chính công và tài sản công", bà nói thêm.
Phát biểu tại buổi khai mạc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trải qua 40 năm phát triển, từ 11 thành viên ban đầu khi mới thành lập, đến nay, với 46 thành viên, ASOSAI vẫn luôn là tổ chức khu vực đi đầu trong lĩnh vực kiểm toán công, quản trị công.
"KTNN Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đang hướng tới mục tiêu là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiện đại. KTNN Việt Nam với vai trò là Chủ tịch ASOSAI 14 sẽ làm hết sức mình vì một ASOSAI phát triển, lớn mạnh, bền vững, đóng góp nhiều giá trị cho nền kinh tế châu Á và thế giới", ông Phớc nói.
Tuyên bố Hà Nội sẽ là văn kiện chính thức của Đại hội ASOSAI 14. Bên cạnh các phương hướng, giải pháp về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các thách thức về môi trường toàn cầu, Tuyên bố Hà Nội còn được kỳ vọng sẽ đóng góp cho cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao về các hoạt động phát triển năng lực cho các SAI thành viên nhằm tăng cường giải quyết vấn đề môi trường.
Phương Dung