Tổng Kiểm toán: Có DN "tỷ đô" của Nhà nước lại là điển hình chuyển giá, gây thất thu ngân sách
(Dân trí) - Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành.
Thông tin tại Hội thảo “Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay” diễn ra sáng nay (19/7), TS Hồ Đức Phớc, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tích cực thực hiện chức năng, nghĩa vụ của mình trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đã thu hồi hàng trăm ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán.
"Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco", ông Phớc cho biết.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành.
Cũng trong buổi hội thảo, PGS,TS. Lê Xuân Trường Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính chỉ ra rằng, chuyển giá đang là nguyên nhân gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Đây có thể coi là tác động hiển nhiên đầu tiên vì với việc doanh nghiệp được lợi về thuế thì phần thuế lẽ ra có thể thu được theo Luật đã không được nộp vào ngân sách nhà nước, và thực tế ở Việt Nam thì số thất thu này không nhỏ.
"Không phải ngẫu nhiên mà trong giai đoạn 2015 – 2017, có khoảng 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam kê khai lỗ, trong đó có nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ nhiều năm liền. Tuy kê khai lỗ liên tục, song nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất", ông Trường nói.
Tất nhiên, theo ông Trường, có thể có trường hợp lỗ thật và số lỗ này có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng không thể loại trừ khả năng chuyển giá, bởi vì, nếu đó là lỗ thực sự thì không thể có chuyện các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng đầu tư vào Việt Nam.
"Thực tế cho thấy, trong rất nhiều trường hợp, các nhà đầu tư nước ngoài đã xác định giá chuyển giao khác xa giá thị trường. Thực tế công tác đấu tranh kiểm soát chuyển giá trong những năm gần đây cũng cho thấy, có những trường hợp nếu không được phát hiện và xử lý, số thuế thất thu đã có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng", ông cho biết.
Ông cũng cho rằng, chuyển giá góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể kinh tế. Mặc nhiên, khi một doanh nghiệp được hưởng lợi về nghĩa vụ thuế thông qua hành vi chuyển giá, doanh nghiệp này sẽ thu lợi cao hơn những doanh nghiệp khác có cùng điều kiện nhưng không thực hiện hành vi chuyển giá. Một môi trường cạnh tranh lành mạnh phải tạo ra khả năng hưởng lợi chính đáng từ hoạt động kinh doanh chính đáng.
"Ngoài ra, với việc được lợi nhờ chuyển giá, các doanh nghiệp này có thể mua nguyên liệu đầu vào với giá cao làm cho các doanh nghiệp khác không thể mua được nguyên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy các doanh nghiệp khác vào tình trạng phá sản", ông Trường cho biết thêm.
Phương Dung