Chủ tịch Petrolimex: “Chúng tôi không nhận bất cứ ưu đãi nào từ Nhà nước”
(Dân trí) - “Petrolimex là số ít doanh nghiệp nhà nước không sử dụng đồng ngân sách nào của Nhà nước nhiều năm nay, không nhận được bất cứ ưu đãi nào về tài sản được hình thành từ nguồn của Nhà nước. Nên mọi dự án to nhỏ, chúng tôi đều phải tính toán, cân đối hết sức thận trọng theo nguyên tắc vay thì phải trả, đầu tư phải có hiệu quả”, ông Bùi Ngọc Bảo khẳng định với giới đầu tư.
Lợi nhuận kỷ lục nhờ nhập xăng dầu từ Hàn Quốc
Theo dự kiến, vào tháng 4 tới, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) sẽ chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán (cụ thể là sàn giao dịch TPHCM – HoSE) sau 6 năm phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Thành lập năm 1956, Petrolimex hiện là nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu lâu đời nhất và lớn nhất Việt Nam với thị phần khoảng 50%.
Tập đoàn này đã thực hiện IPO vào năm 2011 với vốn điều lệ 10.700 tỷ đồng. Sau đó, đã bán khoảng 103,5 triệu cổ phiếu tương đương khoảng 10% cổ phần cho cổ đông chiến lược Nhật bản là JX Nippon Oil & Energy Corporation (JX NOE), công ty bán lẻ xăng dầu lớn nhất Nhật Bản với 43%% thị phần.
Ngoài ra, Petrolimex cũng đã thực hiện mua vào khoảng 155 triệu cổ phiếu quỹ trong năm 2016. Vốn điều lệ hiện tại của Petrolimex hiện tại đạt 12.939 tỷ đồng (tương đương 1,29 tỷ cổ phiếu).
Hiện, Bộ Công Thương vẫn đang là cổ đông lớn nhất của Petrolimex, sở hữu 981,7 triệu cổ phiếu tương ứng chiếm 75,87% cổ phần, nhà đầu tư chiến lược JX NOE sở hữu 103,5 triệu cổ phiếu tương đương 8% cổ phần (thời gian giới hạn chuyển nhượng là 5 năm); lượng cổ phiếu quỹ chiếm 11,98% cổ phần.
Tại mức giá hiện tại trên thị trường OTC khoảng 49.500 đồng/cổ phiếu, theo tính toán, tổng vốn hóa thị trường của Petrolimex đạt gần 64.500 tỷ đồng.
Trao đổi tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư trước thềm niêm yết diễn ra chiều nay (29/3), bà Nguyễn Ngọc Anh, đại diện đơn vị tư vấn (Chứng khoán Sài Gòn – SSI) cho biết, với tổng tài sản 54.238 tỷ đòng tương ứng 2,36 tỷ USD, doanh thu 123.098 tỷ đồng (tương ứng 5,35 tỷ USD), Petrolimex sẽ là doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn nhất sau khi niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Đồng thời, đây cũng sẽ là một trong 10 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường (tạm tính trên 2 tỷ USD), lãi trên cổ phiếu (EPS) cao thứ 2 trong top 10 công ty vốn hóa lớn nhất (chỉ sau Vinamilk) và tổng tài sản đứng thứ 5 (loại trừ ngân hàng) trong top 10 công ty vốn hóa lớn nhất.
Mặc dù trong năm 2016, giá dầu thô WTI trung bình 12 tháng giảm 11,3% từ 48,8 USD/thùng năm 2015 xuống còn 43,32 USD/thùng, song lợi nhuận ròng của Petrolimex vẫn tăng mạnh 59,5% so với năm trước đó, đạt 3.278 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận ròng cao nhất lịch sử của Petrolimex, chủ yếu nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp tốt hơn và tỷ giá hối đối ổn định (tỷ suất lợi nhuận gộp của Petrolimex tăng mạnh trong giai đoạn 2015-2016 tăng mạnh lên 3,2% và 4,1% sau khi chạm đáy ở mức 0,5% năm 2014).
Theo phân tích của của SSI, trong năm 2016, tập đoàn này có 2 điều kiện kinh doanh thuận lợi. Thứ nhất đó là tiết kiệm chi phí nhờ nhập nguồn xăng dầu từ Hàn Quốc. Cụ thể, thuế nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu, đặc biệt là xăng, từ Hàn Quốc thấp hơn so với các nước khác nhờ Hiệp định FTA Việt Nam – Hàn Quốc có hiệu lực từ ngày 1/9/2016.
Bên cạnh đó, môi trường tỷ giá hối đoái năm 2016 thuận lợi hơn năm 2015 cũng đã giúp Petrolimex tiết kiệm khoảng 589 tỷ đồng từ tỷ giá. Chi phí lãi vay cũng giảm khoảng 69 tỷ đồng do vốn kinh doanh được bổ sung từ phát hành cho JX NOE và giá dầu giảm, khiến tổng nợ vay cũng giảm.
Lý giải nguyên nhân chậm trễ niêm yết
Nói về nguyên nhân phải sau 6 năm IPO, Petrolimex mới thực hiện niêm yết cổ phiếu, tại buổi roadshow chiều nay, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn lý giải, sự chậm trễ này chủ yếu do Petrolimex là doanh nghiệp Nhà nước có tính chất đặc thù, hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu nên chịu sự quản lý về cơ chế giá của Nhà nước.
Xăng dầu là trụ cột chính trong sản xuất kinh doanh của Petrolimex, chiếm trên 60% doanh thu và 50% lợi nhuận của tập đoàn này. Sau 6 năm cổ phần hóa, Petrolimex đã tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh từ khâu quản trị đến xây dựng tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp... Ngoài ra, Petrolimex cũng đã đảm bảo được cơ cấu cổ đông phù hợp để thực hiện niêm yết, đưa cổ phần Nhà nước xuống ngưỡng 75%.
Về mức giá chào sàn khi niêm yết cổ phiếu, ông Bảo thú thực, sẽ cố gắng đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, song mức giá sẽ do thị trường quyết định. Hiện, mức giá giao dịch trên OTC khoảng gần 50.000 đồng, và chắc chắn, giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên của cổ phiếu Petrolimex, theo ông Bảo, sẽ không thấp hơn giá phát hành cho nhà đầu tư chiến lược JX NOE.
Liên quan đến câu chuyện thoái vốn khỏi lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, theo lãnh đạo Petrolimex, do tập đoàn này đã được Chính phủ đồng ý chỉ phải giảm tỷ lệ sở hữu chứ không phải thoái vốn toàn bộ. Tuy nhiên, với những lĩnh vực mang tính rủi ro cao thì Petrolimex vẫn sẽ giảm thiểu tối đa hoạt động mà sẽ tập trung vào mảng bán lẻ, vốn là lợi thế của tập đoàn này.
Về việc đầu tư xây dựng dự án lọc dầu Nam Vân Phong, ông Bảo cho biết, đây là dự án rất lớn của Petrolimex.
“Là nhà cung cấp chính trên thị trường xăng dầu, việc xây dựng dự án lọc dầu để đảm bảo an toàn về nguồn là rất quan trọng. Petrolimex là số ít doanh nghiệp nhà nước không sử dụng đồng ngân sách nào của Nhà nước trong nhiều năm nay, không nhận được bất cứ ưu đãi nào về tài sản được hình thành từ nguồn của Nhà nước. Nên mọi dự án to nhỏ, chúng tôi đều phải tính toán, cân đối hết sức thận trọng theo nguyên tắc vay thì phải trả, đầu tư phải có hiệu quả”, ông Bảo cho hay.
Dự án Nam Vân Phong đã được đề cập từ trước 2010 với tinh thần thận trọng, tuy nhiên, thời gian đầu tư dự án còn phụ thuộc vào cơ chế chính sách của Chính phủ. Theo đó, Petrolimex không đề nghị những cơ chế chính sách mang tính ưu đãi mà cần sự bình đẳng cho tất cả các dự án đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam. Nếu đạt được như thế, ông Bảo cho rằng, dự án Nam Vân Phong sẽ là dự án có tính chất hiệu quả về kinh tế là cao nhất của tập đoàn này.
Bích Diệp