Chủ tịch nước gặp mặt 63 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia

Ngày 25/12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt 63 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2014.

Chủ tịch nước gặp mặt 63 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với đại diện các Doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2014. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 

Hơn 20 tỷ USD được doanh nghiệp FDI "đổ" vào Việt Nam năm 2014

* Ngành thủy sản trước những cơ hội lớn

* NCB dành gần 1.000 tỷ cho vay ưu đãi phát triển nông nghiệp

* Sáp nhập Banknetvn và Smartlink

* “Gãy trụ”, VN-Index mất hơn 7 điểm

* Hà Nội chính thức cho phép xây trung tâm văn hóa cạnh Hồ Gươm

Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã báo cáo Chủ tịch nước Chương trình Thương hiệu quốc gia trong thời gian qua.

Là chương trình duy nhất của Chính phủ gắn gới 3 giá trị "Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong," được tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, Chương trình Thương hiệu quốc gia lần thứ 4 năm 2014 đã công nhận 63 doanh nghiệp hàng đầu, trong đó có 48 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia từ năm trước, 15 doanh nghiệp mới được lựa chọn và công nhận năm 2014.

Đây là những doanh nghiệp đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao về lợi nhuận và doanh thu; giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp tăng trưởng 100%.

Với sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chương trình Thương hiệu quốc gia đã tập trung vào các trọng điểm nâng cao nhận thức về thương hiệu, tăng cường năng lực kinh doanh và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp; tăng cường các hoạt động tuyên truyền quảng bá; hỗ trợ các Hiệp hội ngành hàng có năng lực cạnh tranh xuất khẩu.

Năm 2013, các hoạt động phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại, tiếp cận người tiêu dùng trong cả nước đã thu hút 7.000 lượt doanh nghiệp tham gia, trên 280.000 giao dịch được thực hiện, tổng giá trị hợp đồng biên bản ghi nhớ ký kết đạt 1,4 tỷ USD và 162 tỷ đồng. Các hoạt động hội chợ, phiên chợ thu hút được gần 1,9 tỷ đồng.

Chia sẻ về thành công trong việc kinh doanh và xây dựng thương hiệu, các đại biểu cho rằng đạt được thương hiệu đã khó nhưng giữ được thương hiệu còn khó khăn hơn.

Để đứng vững trên thương trường, bên cạnh nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, các đại biểu mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, ban hành chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng Thương hiệu quốc gia và đưa Thương hiệu của quốc gia ra quy mô toàn cầu.

Trao đổi với các đại biểu, Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, mỗi quốc gia trên thế giới đều mong muốn khẳng định vị thế trong nhận thức chung của cộng đồng quốc tế nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, qua đó thu hút tối đa các nguồn lực cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

Vì vậy, hoạt động triển khai chương trình thương hiệu quốc gia có tác dụng xây dựng, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam với vị thế là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng.

Đánh giá cao các doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia vẫn giữ được tăng trưởng trong sản xuất kinh doanh, phát triển tốt về doanh thu, giữ vững được thị trường nội địa và xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn, Chủ tịch nước lưu ý, đây là thời điểm để Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới; đồng thời là cơ hội để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới cao hơn thông qua việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN; dự kiến ký kết các Hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, Liên minh thuế quan Nga-Kazakhstan-Belarus, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Do vậy các doanh nghiệp Thương hiệu Việt Nam cần tích cực, chủ động đóng vai trò là động lực cho sự phát triển trong năm 2015 và những năm tới.

Để hoàn thành những mục tiêu đó, Chủ tịch nước yêu cầu các doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia cần đảm bảo uy tín chất lượng sản phẩm thông qua hệ thống sản xuất kinh doanh tiên tiến và năng lực tài chính lành mạnh; không ngừng cải tiến công nghệ máy móc nhằm tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh; tiếp tục nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp mình ở trong và ngoài nước để xứng đáng với vai trò tiên phong Thương hiệu quốc gia.

Hoan nghênh Hội đồng Thương hiệu quốc gia đã tổ chức xây dựng và quảng bá Thương hiệu quốc gia, Chủ tịch nước mong muốn thông qua việc công nhận danh hiệu, doanh nghiệp cần tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm để có nhiều hơn nữa các đơn vị đạt Thương hiệu quốc gia, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.