Chủ tịch HĐND Bạc Liêu: “Có mối quan hệ mới lấy được tài liệu của tỉnh, phải chăng là tham nhũng vặt!”
(Dân trí) - “Có đến 69% doanh nghiệp cho rằng phải có mối quan hệ mới lấy được tài liệu của tỉnh, thì cái này có phải chăng đây là một biểu hiện của tham nhũng vặt…”, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu đặt vấn đề về việc thực biện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 12 - HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX diễn ra ngày 6/12, vấn đề chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Bạc Liêu thời gian qua được đại biểu quan tâm. Trong đó, nhiều sở, ngành bị “truy” trách nhiệm khi có một số chỉ số thành phần còn thấp.
4 chỉ số thành phần tiếp tục giảm điểm
Ông Trần Thanh Tâm - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2018, chỉ số PCI của tỉnh Bạc Liêu xếp thứ 39/63 tỉnh, thành (tăng 3 bậc so với năm 2017), đứng thứ 9 khu vực ĐBSCL. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Bên cạnh 6 chỉ số thành phần tăng điểm thì vẫn còn 4 chỉ số thành phần giảm điểm (gồm các chỉ số: Gia nhập thị trường, tính minh bạch, tính năng động và chi phí thời gian).
Ông Tâm cho biết, 4 chỉ số thành phần nêu trên (trong đó có chỉ số giảm đến 55 bậc) là các chỉ số tổng hợp với 42 chỉ tiêu, do đó có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến giảm điểm.
Theo ông Trần Thanh Tâm, vấn đề “hậu đăng ký doanh nghiệp” (DN) đang là vấn đề lớn với nhiều DN, gặp khó khăn trong việc xin được các loại giấy phép hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoat động. “Có 25% DN cho biết phải chờ hơn một tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục và có 8% DN phải chờ hơn 3 tháng”, ông Tâm thông tin.
Nói về chỉ số tính minh bạch (giảm 40 bậc), Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Bạc Liêu cho biết, việc tiếp cận thông tin chính sách của DN vẫn còn nhiều hạn chế.
“Có đến 69% DN cho biết cần có mối quan hệ để có được tài liệu của tỉnh; chỉ có 43% DN cho biết thông tin mời thầu được công khai; có 5 thủ tục hành chính gây phiền hà ảnh hưởng nhiều nhất đến DN, gồm: Thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và môi trường; có đến 54% DN cho biết thỏa thuận khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng”, ông Tâm cho hay.
Một số đánh giá khác ở chỉ số tính năng động, chi phí thời gian cho thấy có đến 40% DN không hài lòng với việc ngành chức năng chậm giải quyết vướng mắc, khó khăn; khi chính sách, pháp luật có điểm chưa rõ, một số cơ quan Nhà nước tại tỉnh thường “đợi xin ý kiến” hoặc “không làm gì cả”; DN còn mất quá nhiều thời gian để tìm hiểu, đi lại để thực hiện các thủ tục hành chính; DN tốn quá nhiều thời gian để tiếp các đoàn thanh, kiểm tra;…
Trách nhiệm sở, ngành ở đâu ?
Qua trả lời của lãnh đạo ngành KH&ĐT của tỉnh, đại biểu Hồ Thị Tuyết Nhung “truy” vấn: Vậy trách nhiệm của các sở, ngành được giao chịu trách nhiệm chính trong việc tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện đối với 4 chỉ số thành phần này như thế nào?
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thanh Tâm cho rằng, thủ tục hành chính có quy định khung cụ thể. Sau khi cấp giấy đăng ký kinh doanh ở Sở KH&ĐT thì các thủ tục phía sau lại mất quá nhiều thời gian khi còn ít nhất đến 8 thủ tục.
“Từng sở, ngành đều có quy định thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với các DN thường thấp hơn khung quy định. Do vậy, trong quá trình triển khai thực hiện, đối với DN đó quan hệ với sở, ngành không biết thế nào, để còn bất cập kéo dài thời gian như thế”, ông Tâm lý giải.
Được mời lên giải trình thêm trách nhiệm về chỉ số tính minh bạch, ông Vưu Nghị Bình - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu cho rằng, mặc dù UBND tỉnh giao Sở chủ trì thực hiện, nhưng thực chất vấn đề này liên quan tất cả các sở, ngành.
“Do đó, để thực hiện tốt đòi hỏi các sở, ngành, địa phương phải triển khai đồng bộ các giải pháp. Còn Sở Tư pháp chỉ chủ trì, nhắc nhở triển khai chứ không phải là cơ quan thực hiện tính minh bạch”, ông Bình phân trần.
Chưa hài lòng với phần trả lời của lãnh đạo Sở Tư pháp, bà Lê Thị Ái Nam- Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, hỏi thẳng: “Sở Tư pháp được giao chủ trì thực hiện chỉ số tính minh bạch chứ không phải thực hiện, nhưng giải pháp của Sở thời gian qua thế nào mà chỉ số này giảm đến 40 bậc và sắp tới khắc phục ra sao?”.
Ông Vưu Nghị Bình cho rằng: “Liên quan giảm 40 bậc có nhiều vấn đề, nói chung tính công khai minh bạch của mình chưa cao. Sở Tư pháp sẽ đề xuất Ủy ban tỉnh triển khai quyết liệt chỉ số thành phần này, mong rằng Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch các địa phương quan tâm hơn nữa”.
Liên quan đến chỉ số tính năng động giảm 29 bậc, ông Nguyễn Tấn Khương - Chánh văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng khi có chủ trương, chính sách gì thì Cổng thông tin của UBND tỉnh đều đưa hết, kể cả tình hình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, các sự kiện quan trọng. Ngoài ra, các Cổng thông tin thành phần của các sở, ngành có gì đó cũng đưa hết.
“Do đó, khi đánh giá như vậy thì chúng tôi cũng không biết bên VCCI đánh giá cách gì. Chúng tôi sẽ ngồi họp lại với các sở, ngành để rà soát lại vừa qua mình còn hạn chế gì, từ đó sẽ khắc phục”, ông Khương nói.
Còn băn khoăn với trả lời của lãnh đạo ngành Tư pháp tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh, theo đại biểu Hồ Thị Tuyết Nhung, từng chỉ số thành phần không chỉ là một nội dung mà trong có rất nhiều chỉ số thành phần khác, là các cơ quan được giao chủ trì thực hiện, đề nghị sắp tới cần quan tâm, chủ động phối hợp tích cực hơn để làm sao cải thiện, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.
Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Thanh Tâm cho rằng, đã làm hết trách nhiệm theo UBND tỉnh giao. Các sở, ngành đã hạ quyết tâm tích cực triển khai trách nhiệm của mình trong vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
“Không phải các sở, ngành không làm tốt và tự đánh giá số điểm này, mà đây là DN họ đánh giá cho chúng ta. Chúng ta thường nói khẩu hiệu: Nnhững gì khó dành cho cơ quan nhà nước, những gì dễ dành cho doanh nghiệp” và đã thực hiện theo phương châm này. Nhưng vừa qua kết quả như thế không biết thế nào mà từng DN đánh giá như vậy.
Điển hình như Cục Thuế (khi bị đánh giá thủ tục hành chính gây phiền hà-PV) cũng không hài lòng. Bởi ngược lại ngành Thuế được Tổng Cục Thuế khen là một trong những tỉnh cải cách thủ tục hành chính về thuế phải nói là đứng hàng đầu cả nước. Do đó, rất mong DN nếu có phản ánh gì thì trực tiếp phản ánh đến Sở hoặc UBND tỉnh để khắc phục”, ông Tâm đề nghị.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu - bà Lê Thị Ái Nam nhận định, trong 4 chỉ số thành phần giảm điểm, tính minh bạch và gia nhập thị trường giảm quá sâu. Do đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường kiểm tra các sở, ngành được giao chủ trì thực hiện các chỉ số thành phần này, nhất là trách nhiệm người đứng đầu.
Bà Lê Thị Ái Nam yêu cầu tăng cường kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là những người có liên quan đến giao dịch hàng ngày đối với DN, người dân.
“Có đến 69% doanh nghiệp đánh giá phải có mối quan hệ mới được lấy tài liệu của tỉnh, thì cái này có phải chăng đây là một biểu hiện của "tham nhũng vặt?". Đề nghị UBND tỉnh phải có giải pháp khắc phục, nếu phát hiện cán bộ, công chức nào có sai phạm cái này thì phải cương quyết xử lý làm gương”, bà Ái Nam quyết liệt.
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, hiện nay có một cán bộ, công chức cho rằng chỉ số PCI là không quan trọng, mà chúng ta thu hút đầu tư được là do lãnh đạo tỉnh đi mời gọi đầu tư thì cái đó không phải.
“Nếu chỉ số này không quan trọng thì quốc tế đánh giá để làm gì, quốc gia phấn đấu để làm gì. Do đó, cái này phải khắc phục trước trong tư tưởng, sau đó đến hành động, phải xem việc nâng cao chỉ số PCI là việc làm thường xuyên, liên tục, để góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển”, bà Lê Thị Ái Nam chốt lại.
Huỳnh Hải