Chủ tịch Đỗ Minh Phú: "Làm kinh doanh phải biết nắm bắt và thấu hiểu thị trường"
"Trong kinh doanh, bạn cần phải nắm bắt hơi thở của thị trường. Chúng ta phải có những tiên liệu với xu hướng để có thể sẵn sàng đón nhận cơ hội...".
Ông Đỗ Minh Phú - Chủ tịch Công ty VBĐQ DOJI kiêm Chủ tịch Ngân hàng TMCP Tiên Phong đã có những chia sẻ rất thú vị về khởi nghiệp cũng như việc truyền lửa kinh doanh cho các thế hệ kế cận trong gia đình trong chương trình Quốc gia Khởi nghiệp, phát sóng lúc 20h10 ngày 22/9 trên VTV1.
Từ một người có thiên hướng học thuật, ông rẽ sang làm kinh doanh và lại bắt đầu trong thời kì nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn đầu mở cửa, mọi thủ tục về mua bán, xuất nhập khẩu rất khắt khe. Hơn nữa, việc kinh doanh vàng bạc đá quý lại là loại hàng hóa đặc biệt, có giá trị rất lớn, chắc hẳn ông đã gặp phải nhiều khó khăn. Vậy đã khi nào ông cảm thấy hối hận vì dấn thân vào chốn thương trường và lĩnh vực này?
Khi tôi bắt đầu khởi nghiệp, và tham gia vào lĩnh vực đá quý, lúc bấy giờ tôi là một cán bộ nghiên cứu khoa học. Viện Khoa học VN lúc bấy giờ cử chúng tôi tham gia vào một công ty liên doanh. Tôi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc công ty liên doanh.
Thực ra, nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề.
Với lĩnh vực đá quý, điều quan trọng là tìm ra ứng dụng công nghệ để xử lý chúng. Muốn xử lý đá quý thì phải có nguyên liệu mà thời điểm đó, mua nguyên liệu trên thị trường không dễ dàng. Các mỏ khai thác hầu như hoạt động tự nhiên với quy mô nhỏ lẻ, không chính thống. Khi có nguồn nguyên liệu rồi thì làm thế nào để mua được, đánh giá được chất lượng và xử lý nó. Làm sao để đưa sản phẩm ra được thị trường quốc tế ở thời điểm Việt Nam còn là “anh tân binh” về đá quý ở giai đoạn 1990. Đó là những khó khăn chúng tôi gặp phải khi bắt đầu lĩnh vực này.
Chính những khó khăn ban đầu đã tạo cho chúng tôi đam mê và nghị lực, đưa tên đá quý Việt Nam cập nhật trên bản đồ đá quý thế giới. Đặc biệt sau này, khi từ “VSR – Vietnam Star Ruby” được dùng làm kí hiệu chỉ một loại đá quý hiếm trên thế giới, đó cũng là phần thưởng khích lệ chúng tôi rất nhiều khi tham gia vào lĩnh vực này.
Những lô hàng đầu tiên xuất khẩu ra thế giới đã làm họ vô cùng ngạc nhiên vì không chỉ có những quốc gia nổi tiếng về đá quý như Miến Điện, Sri Lanka hay Ấn Độ mà Việt Nam cũng trở thành cái nôi về đá quý. Điều này thực sự mang lại cho chúng tôi niềm tự hào.
Vàng là loại hàng hóa có sự biến động khó lường và kinh doanh vàng giống như việc đi trên dây. Vậy theo ông, người làm kinh doanh vàng cần bản lĩnh thế nào?
Kinh doanh vàng quả thực không hề dễ. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc kinh doanh vàng như một hàm số với quá nhiều biến số. Những tác động về chính trị trên thế giới, sự thay đổi về bảng giá, bảng kết quả lao động của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản... thậm chí cả xung đột về tôn giáo, phát biểu của quan chức cấp cao… cũng có thể tác động đến giá vàng.
Nếu bạn bán ra 1000 lượng vàng thì ngay lập tức bạn phải mua vào 1000 lượng. Giá của thời điểm bán và giá mua vào ở thời điểm kế tiếp cũng cần loại trừ những yếu tố rủi ro nhất. Vì giá bạn mua lại chưa chắc đã bằng giá bạn bán ra. Vậy nên việc thua lỗ chắc chắn có thể xảy ra.
Có thể nói, việc kinh doanh vàng đã mang lại cho chúng tôi nhiều trải nghiệm, tạo thêm cho mình độ lì nhất định với thị trường khó khăn này.
Khoảng 4 năm trở lại đây, thị trường vàng không còn sôi động như trước nhưng DOJI vẫn có mức tăng trưởng ngoạn mục, khoảng 35%, thậm chí ông còn mở rộng việc kinh doanh của mình. Ông có thể chia sẻ cho các bạn trẻ khởi nghiệp hiện nay là làm thế nào ông có thể kiếm được những cơ hội kinh doanh từ những khe cơ hội rất nhỏ như vậy?
Nếu đứng về góc độ kinh doanh, thì biên độ lợi nhuận của vàng miếng rất nhỏ, chỉ tính bằng 1/1000 trên doanh thu. Nếu bỏ ra 40 triệu đồng để mua một lượng vàng thì khả năng lãi lợi nhuận nhiều nhất chỉ không quá 30 - 40 nghìn đồng. Như vậy, nếu so sánh với một sản phẩm trang sức thì biên lợi nhuận đã có thể gấp vài chục lần.
Tại thời điểm năm 2010 - 2011, tôi nhận thức được rằng vàng miếng chỉ là phương tiện cất trữ, đầu tư, thậm chí là đầu cơ nhưng không phải là sản phẩm người dùng có thể dùng được như trang sức. Nếu đứng về góc độ kinh doanh, biên lợi nhuận của vàng miếng rất nhỏ, chỉ bằng 1/1000 doanh thu trong khi với một sản phẩm trang sức, biên lợi nhuận có thể lớn gấp vài chục lần.
Năm 2007, ông Phú xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý DOJI Plaza tại Hà Nội.
Hiểu được tâm lí mua vàng của người Việt Nam, chúng tôi phải làm sao sản xuất được sản phẩm vàng vừa có thể cất giữ, phải được bảo toàn giá trị và phải đeo được. Chúng tôi cho ra đời sản phẩm trang sức vàng ta với hàm lượng vàng 24k, sản phẩm có giá vàng tuyệt đối.
Như vậy, nếu giá vàng có biến động thì người đầu tư có thể bán ra thị trường mà không lo mất giá. Nó hơi khác biệt so với sản phẩm vàng hợp kim 18k, 14k. Chính sự đầu tư này giúp chúng tôi đưa ra những sản phẩm độc đáo, theo kịp xu hướng thị trường và mang lại thêm nhiều cơ hội cho chúng tôi.
Phải chăng biết nắm bắt thị trường, thấu hiểu thị trường để đưa ra được những chiến lược, những cải tiến theo kịp nhu cầu là những bí quyết để thành công?
Trong kinh doanh, bạn cần phải nắm bắt hơi thở của thị trường. Chúng ta phải có những tiên liệu với xu hướng để có thể sẵn sàng đón nhận cơ hội. Với những ai bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, đặc biệt với lĩnh vực như chúng tôi, cần hiểu rằng thị trường luôn biến đổi, nhu cầu sẽ thay đổi và bắt nhịp theo thị trường tiêu thụ ở các nước. Nắm được điều đó, chúng ta có thể tiên liệu, đón đầu và sẵn sàng nhận được những kết quả kinh doanh tốt.
Ông Đỗ Minh Phú theo học ngành vô tuyến điện tử tại Đại học Bách khoa, tốt nghiệp loại ưu ông được làm tổng giám đốc một công ty liên doanh với nước ngoài về đá quý. Năm 1994, ông bỏ chức tổng giám đốc công ty liên doanh để thành lập doanh nghiệp riêng chuyên về đá quý.
Năm 1997, ông và gia đình lập công ty Diana chuyên sản xuất các sản phẩm tã giấy, băng vệ sinh và khăn giấy. Năm 2007, ông xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý Doji Plaza tại Hà Nội. Năm 2011, ông bán công ty Diana cho đối tác của Nhật. Thương vụ này có giá trị lên tới gần 200 triệu đô la Mỹ.
Với khoản lợi nhuận này, ông lại tiếp tục dốc vốn vào Ngân hàng Tiên Phong và làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng này. Năm 2011, Ngân hàng Tiên Phong nằm trong danh sách 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu của NHNN.
Ông Đỗ Minh Phú cùng Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji đã đầu tư vào TPBank với tỷ lệ nắm giữ 20%. Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch HĐQT của TPBank, ông Phú đã bắt tay vào thay đổi toàn bộ bộ máy, ban điều hành và tái cơ cấu ngân hàng.
Sau khoảng 1 năm chèo lái, TPBank đã có những thay đổi căn bản, từ chỗ là ngân hàng gặp khó đến giữa năm 2015, TPBank đã trở thành ngân hàng duy nhất tái cơ cấu thành công trong số hơn chục ngân hàng yếu kém.