Chủ khách sạn nhốt xe thượng tá đòi tỉnh bồi thường 100 cây vàng

Chủ khách sạn Mỹ Đình - người cho thợ làm hàng rào "giam" chiếc ô tô của hàng xóm khẳng định: "Vụ việc của tôi phải do cấp tỉnh giải quyết. Cấp phường không đủ thẩm quyền trong việc xử lý tôi. Tỉnh phải trả cho tôi 100 cây vàng thì mới thu hồi đất được".

Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin chủ khách sạn Mỹ Đình (phường 2, thành phố Tân An, Long An) cho làm hàng rào bịt lối đi của hàng xóm. Chiếc ô tô của ông hàng xóm cũng bị "giam" bên trong hàng rào hơn một tháng qua.


Ông chủ khách sạn Mỹ Đình yêu cầu được bồi thường 100 cây vàng.

Ông chủ khách sạn Mỹ Đình yêu cầu được bồi thường 100 cây vàng.

Hiện UBND TP Tân An đã chỉ đạo phường 2 và cán bộ quản lý đô thị xem lại hồ sơ đất đai của Công ty Phương Nga (chủ khách sạn Mỹ Đình) và xử lý tháo dỡ hàng rào. Tuy nhiên, ông Võ Công Bình - Chủ khách sạn Mỹ Đình khẳng định, hàng rào của ông xây trong dự án của Công ty Phương Nga, mà công ty này do cấp tỉnh quản lý nên ông không đồng ý để cấp phường cũng như cấp thành phố tham gia xử lý.

"Con hẻm này trước đây tôi đã bỏ tiền ra san lấp, bê tông. Nếu nhà nước muốn thu hồi thì phải bồi thường lại cho tôi. Còn cái hàng rào, nằm trong dự án của tôi, thì tôi cứ xây thôi. Phường kêu tôi lên, đòi phạt 15 triệu đồng. Tôi nói thẳng, có quy định nào bắt buộc làm hàng rào phải xin giấy phép hay không?. Có thì tôi mới tháo dỡ và đóng phạt. Suốt 14 năm qua họ đi nhờ trên con đường do tôi làm, mà họ không biết điều nên tôi rào luôn" - ông Bình nói.

Trong khi đó, bà Trần Lệ Thu (vợ ông Lâm Tấn Phát) cũng gửi đơn tố cáo vợ chồng ông Bình và bà Phan Thị Bé giành đường công cộng làm lối đi riêng, nhiều lần ngăn cản hoạt động kinh doanh của gia đình bà cũng như hộ kinh doanh của gia đình ông Đặng Văn Kiềm (cùng nằm phía trong hẻm cụt như bà). "Việc tranh chấp gay gắt đã diễn ra suốt mười mấy năm qua mà không ai giải quyết được. Chúng tôi liên tục bị khủng bố, bị tấn công mà không biết phải cầu cứu nơi đâu" - bà Thu nói.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An gửi Văn phòng Chính phủ ngày 2.6.2003 thì sự việc như sau:

"Vào năm 2002 UBND tỉnh có phương án cho Công ty TNHH Phương Nga thuê con đường cụt dẫn vào đất ông Phát và ông Kiềm (công văn của ngành chức năng đã không đề cập đến việc 2 hộ ông Kiềm, ông Phát đã mua đất cặp đường cụt). Tiếp theo UBND tỉnh có công văn đồng ý cho Công ty TNHH Phương Nga thuê đất đường cụt, giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư khu vực sân vận động làm việc với Sở Địa chính làm thủ tục cho thuê đất và ký hợp đồng thuê đất theo qui định.

Trong khi chưa làm thủ tục thuê đất Công ty Phương Nga đã triển khai xây dụng con đường khi chưa có giấy phép xây dựng và có ý định sử dụng riêng con đường này cho doanh nghiệp của mình (chưa có hợp đồng thuê đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), không cho phương tiện của hộ ông Kiềm và ông Phát đi vào con đường này nên xảy ra tranh chấp.

Sau khi xem xét lại thực tế khu đất quy hoạch làm đường cụt và chủ trương cho Công ty TNHH Phương Nga thuê đất đường cụt nêu trên, UBND tỉnh nhận thấy, theo qui hoạch được phê duyệt, đoạn đường cụt trên để phục vụ cho nhiều hộ sử dụng đất xung quanh (là mặt tiền của các lô đất mà ông Bình, ông Kiềm, ông Phát đã mua xung quanh đường cụt). Công ty Phương Nga chỉ có thế được thuê đất nếu 2 hộ ông Kiềm và ông Phát đồng ý, nhưng hòa giải không thành, 3 hộ không thỏa thuận được.

Từ những lý do trên, việc UBND tỉnh có 2 công văn chủ trương cho Công ty Phương Nga thuê đất qui hoạch làm đường giao thông trên là không hợp lý, không đúng với qui hoạch được phê duyệt, không cân nhắc kỹ quyền lợi của các hộ xung quanh con đường cụt (do tham mưu của ngành chức năng không bày rõ hiện trạng đất các hộ liên quan).

Do đó, UBND tỉnh có quyết định thu hồi, hủy bỏ chủ trương cho Công ty Phương Nga thuê đất và bồi thường chi phí mà công ty làm đường. Theo công ty, chi phí dự toán làm đường cho diện tích 256m2 (thời giá năm 2002) là 450 triệu đồng. Trong khi đó, Ban Quản lý dự án đầu tư hạ tầng Long An thẩm định và xác định chi phí làm đường là gần 70 triệu đồng.

Việc UBND tỉnh thu hồi chủ trương cho thuê đất là đúng, thể hiện tinh thần thấy sai là sửa, có toán đến quyền lợi của doanh nghiệp bằng việc thanh toán lại chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra đầu tư trên con đường...".

Dù vậy, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, tranh chấp kéo dài. Trao đổi với phóng viên, ông Võ Công Bình nói: "Thời điểm tôi làm đường, 450 triệu tương đương 100 cây vàng. Giờ muốn bồi hoàn cho tôi thì phải theo con số này tôi mới đồng ý".

Theo: Hữu Danh

Dân Việt