Chủ động đối phó với những vụ kiện thương mại

Các vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm của Việt Nam xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây một mặt minh chứng cho năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam đang được nâng cao, mặt khác cũng đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước những thách thức mới của quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

Chúng tôi đã trao đổi với bà Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Thương mại xung quanh vấn đề này. 

 

Những vụ kiện chống bán phá giá liên tiếp xảy ra là những khó khăn thách thức của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế, nhưng rõ ràng cũng chứng tỏ sự lớn mạnh về xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam. Bà bình luận như thế nào về điều này?

 

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hơn 20%/năm. Hàng Việt Nam có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng nên bước đầu đã có được chỗ đứng vững chắc trên một số thị trường tiêu thụ trọng điểm.

 

Việc hàng hoá Việt Nam phải đối phó với nhiều vụ kiện thương mại trong thời gian gần đây chứng tỏ chúng ta đã trở thành một đối tác có sức mạnh mới trong giao lưu thương mại quốc tế.

 

Tuy nhiên, đây cũng là những khó khăn thách thức mới của Việt Nam trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế, các vụ kiện thương mại xuất hiện ngày càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch tăng trưởng xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

 

Ở Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng, các cơ quan hữu quan đang phối hợp triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu tháng 6/2005 về việc chủ động phòng chống các vụ kiện thương mại nước ngoài, mà ưu tiên hàng đầu là giảm thiệt hại ở mức tối thiểu, bảo toàn năng lực sản xuất và cạnh tranh cho doanh nghiệp, hàng hoá Việt Nam.

 

Theo bà, hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay đang tạo thuận lợi và còn khó khăn như thế nào trong việc tạo lập một môi trường cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh ở Việt Nam?

 

Hiện nay, về khuôn khổ pháp lý nói chung, chúng ta đã có một hệ thống văn bản quy phạm khá đầy đủ để tạo lập và phát triển môi trường cạnh tranh lành mạnh.Hiến pháp 1992 được sửa đổi năm 2001 đã đặt ra những nguyên tắc chung bảo vệ quyền tự do kinh doanh và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần tại Việt Nam.

 

Luật Doanh nghiệp 2001, Luật Đầu tư nước ngoài 2000 và Luật khuyến khích đầu tư trong nước 1998, Luật Phá sản 2004 ... và gần đây nhất là Bộ luật Dân sự (sửa đổi ), Luật Thương mại (sửa đổi ) đều theo tinh thần đó. Đặc biệt, cuối năm 2004, lần đầu tiên Luật Cạnh tranh đã được ban hành và có hiệu lực từ 1/7/2005.

 

Hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện. Tiếp theo Luật Cạnh tranh, các dự Luật Doanh nghiệp thôngs nhất, Luật Đầu tư chung đang được hoàn thiện hy vọng sẽ thành công trong việc đảm bảo hoạt động vững mạnh của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam.

 

Mặc dù mới được thành lập nhưng Cục Quản lý cạnh tranh đã tỏ ra là một cơ quan khá năng động. Xin bà cho biết cụ thể về những việc đã làm được và những kế hoạch trong tương lai của Cục?

 

Cục Quản lý cạnh tranh (thuộc Bộ Thương mại) được thành lập từ tháng 2/2004 với chức năng chính là quản lý nhà nước về cạnh tranh, chống độc quyền, chống bán phá giá, áp dụng các biện pháp tự vệ, chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam…bảo vệ quyền lợi các doanh nghiệp, người tiêu dùng theo quy định của pháp luật.

 

Trong thời gian qua, Cục đã nỗ lực triển khai các giải pháp thực thi có hiệu quả Luật Cạnh tranh và các Pháp lệnh liên quan; đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực mới mẻ này.

 

Cục Quản lý cạnh tranh đã tích cực tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản pháp luật quan trọng trong lĩnh vực cạnh tranh như quy định về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp; quy định về xử lý vi phạm pháp luật cạnh, các nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh chống phá giá hàng hoá nhập khẩu, Pháp lệnh chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu.

 

Với sự hỗ trợ của các cơ quan cạnh tranh các nước và các tổ chức quốc tế, Cục Quản lý cạnh tranh đã tổ chức các khoá đào tạo kỹ năng cơ bản cho điều tra viên về chống thoả thuận hạn chế cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế. Cục đã tổ chức nhiều hội nghị hội thảo, toạ đàm phổ biến tuyên truyền chính sách và pháp luật cạnh tranh và các biện pháp bảo đảm công bằng trong thương mại quốc tế cho cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng.

 

Xin bà cho biết diễn biến mới nhất của vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng giầy có mũ da và những vụ việc khác Việt Nam đang phải theo kiện?

 

Hiện nay, Cục Quản lý cạnh tranh đang theo dõi một số vụ kiện thương mại đối với hàng Việt Nam tại thị trường nước ngoài như chống bán phá giá giầy có mũ da tại EU, tự vệ đối với xe đạp tại Canada.

 

Về diễn tiến vụ kiện chống bán phá giá mặt hàng giầy mũ da, đây là vụ việc có ảnh hưởng lớn tới một ngành sản xuất- xuất khẩu chủ lực và trên một thị trường trọng điểm của Việt Nam, do đó Cục Quản lý cạnh tranh đã có sự phối hợp chặt chẽ với các bên hữu quan có sự chuẩn bị ứng phó ngay từ giai đoạn đầu, thậm chí trước khi Uỷ ban Châu Âu (EC) ra quyết định điều tra.

 

Cục đã làm việc cụ thể với EC nhằm cập nhật thông tin và hướng dẫn kịp thời cho các doanh nghiệp trong ngành, phối hợp với các cơ quan Thương vụ hỗ trợ Hiệp hội Da - Giầy Việt Nam trong việc đề xuất nước thay thế (Thái Lan thay cho Braxin).

 

Theo TTXVN