TPHCM:
Chủ đầu tư đòi trả… cầu Phú Mỹ
(Dân trí) - Phí giao thông thu được không cao như dự tính để trả lãi vay, chủ đầu tư cầu Phú Mỹ đang đòi trả lại… cầu Phú Mỹ cho UBND TP để làm áp lực yêu cầu TP giãn nợ hoặc cho chủ đầu tư vay vốn ưu đãi.
Cầu Phú Mỹ được UBND TP giao cho Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ, nay là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ (PMC) làm chủ đầu tư xây dựng từ năm 2004 theo hình thức BOT (Xây dựng – Khai thác – Chuyển giao).
Theo hợp đồng BOT ký kết giữa UBND TP và PMC thì PMC sẽ không sử dụng vốn ngân sách mà phải tự huy động vốn từ các quỹ tín dụng để xây cầu, khi cầu hoàn tất sẽ được thu phí trong thời gian ít nhất là 26 năm để hoàn vốn đầu tư. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm thu phí tại cây cầu nay, PMC nhận thấy mức phí thu được quá thấp so với dự kiến, không đủ để chủ đầu tư trả lãi và nợ vay đầu tư xây cầu.
Theo lãnh đạo PMC thì tình trạng chủ đầu tư không đủ vốn trả nợ xảy ra do nhiều nguyên nhân, ngoài nguồn thu phí thấp thì còn có nhiều nguyên nhân khách quan khác nằm ngoài tầm kiểm soát của chủ đầu tư như: tổng mức đầu tư dự án tăng gần gấp đôi (từ 1.805 tỷ đồng tăng lên 3.402 tỷ đồng), tỷ giá USD/VNĐ tăng đột biến so với dự toán khi lập dự án khiến việc thu phí không đảm bảo trả lãi vay, lãi suất tăng quá nhanh…
Ông Nghiêm Sỹ Minh, Chủ tịch HĐQT PMC dẫn chứng: “Khi bắt đầu khởi công xây dựng, lãi suất vay vốn chỉ có 9,6%/năm, hiện nay lên đến 20%/năm. Do vậy, tiền lãi vay trên 1 đồng vốn vay tăng lên rất nhiều, làm cho nguồn thu để trả lãi và vốn vay ngày càng thiếu hụt thêm. Trước đây, phí thu được 100.000 đồng có thể đổi được 6,5 USD, nay chỉ đổi được 4,78 USD để trả nợ”.
Dựa vào lý do này, PMC ra yêu sách với Thành ủy, UBND TP 2 điều kiện chính là: cho phép PMC giãn nợ đã vay Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM (HFIC), thay vì trả trong 10 năm thì cho PMC trả trong 15 – 20 năm; ân hạn 5 năm (không trả nợ 5 năm) hoặc cho PMC vay ưu đãi 1.000 tỷ đồng để có vốn trả nợ trong 5 năm đầu.
Theo đề nghị của PMC, nếu không được hỗ trợ giãn nợ hoặc cho vay vốn 1.000 tỷ đồng thì công ty này sẽ “trả” cầu Phú Mỹ cho UBND TP quản lý trước thời hạn. Sau khi bàn giao, TP sẽ tiếp nhận các khoản nợ vay đầu tư cho dự án của PMC và thanh toán cho PMC phần vốn chủ sở hữu đầu tư.
PMC có quyền trả dựa vào các điều khoản trên hợp đồng
Theo PMC, sỡ dĩ nguồn thu phí qua cầu Phú Mỹ quá thấp là do UBND TP chưa thực hiện đúng theo hợp đồng BOT đã ký kết với PMC. Theo hợp đồng này, UBND TP cam kết sẽ hoàn thành đồng bộ đường vành đai phía Đông với cầu Phú Mỹ để khi cầu Phú Mỹ đưa vào khai thác thì lượng xe tải từ phía Đông TP về phía Tây TP sẽ lưu thông thuận lợi theo tuyến đường vành đai phía Đông qua cầu Phú Mỹ. Tuy nhiên, đến nay tuyến đường vành đai phía Đông vẫn chưa hoàn tất, hạn chế rất nhiều lượng xe qua cầu.
Cũng trong hợp đồng này, UBND TP cam kết khi cầu Phú Mỹ đi vào khai thác sẽ phân luồng giao thông theo hướng hạn chế tối đa xe tải nặng đi qua trung tâm TP theo các tuyến đường qua cầu Khánh Hội, Kênh Tẻ và kể cả hầm Thủ Thiêm; cầu Phú Mỹ sẽ đảm nhận toàn bộ luồng xe tải nặng qua tuyến đường vành đai phía Đông TP. Tuy nhiên, điều kiện này cũng chưa được thực hiện.
Trong văn bản gửi UBND TP, PMC cho là mình hoàn toàn có quyền trả lại cầu Phú Mỹ cho UBND TP dựa vào các điều khoản hợp đồng BOT mà công ty đã ký kết với UBND TP.
Theo đó, tại điều khoản 7.4.4 của hợp đồng quy định nếu tuyến đường vành đai phía Đông TP hoàn thành chậm hơn cầu Phú Mỹ trên 3 năm thì tại thời điểm sau 3 năm chậm trễ, bên B (PMC) sẽ chuyển giao công trình cho bên A (UBND TP) quản lý và khai thác. Trong trường hợp này, bên A (UBND TP) phải hoàn trả lại cho bên B (PMC) toàn bộ vốn đầu tư của dự án, kể cả một phần lợi nhuận đầu tư.
Cầu Phú Mỹ chính thức khánh thành vào tháng 9/2009. Như vậy, đến tháng 9/2012 thì đã là 3 năm kể từ ngày cầu Phú Mỹ đưa vào khai thác. Tuy nhiên, theo ông Nghiêm Sỹ Minh, Chủ tịch HĐQT PMC thì chắc chắn đến năm 2013 tuyến đường vành đai phía Đông cũng chưa thể hoàn thành kết nối đồng bộ được. Lúc đó, PMC hoàn toàn đủ tư cách “trả” lại cầu Phú Mỹ cho UBND TP.
Tùng Nguyên