"Chốt" chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2022

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Với 465/468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

Cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi chống dịch

Sáng nay (13/11), Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Theo đó, Quốc hội quyết, tổng số thu ngân sách nhà nước là hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tổng chi hơn 1,78 triệu tỷ đồng.

Mức bội chi ngân sách nhà nước là hơn 372.900 tỷ đồng, tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong đó, bội chi ngân sách trung ương hơn 347.900 tỷ đồng; bội chi ngân sách địa phương là 25.000 tỷ đồng.

Trong năm 2022, tổng mức vay của ngân sách nhà nước sẽ là 572.686 tỷ đồng.

Chốt chưa thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2022 - 1

Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 (Ảnh: Quốc Chính).

Ngoài ra, Nghị quyết bổ sung 40.322 tỷ đồng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021 từ nguồn viện trợ nước ngoài không hoàn lại của Ngân hàng Phát triển châu Á.

Số tiền này bổ sung cho ngân sách tỉnh Quảng Nam để thực hiện Dự án Phát triển môi trường, hạ tầng đô thị để ứng phó với biến đổi khí hậu TP Hội An.

Trường hợp đã sử dụng hết nguồn ngân sách địa phương, nguồn lực hợp pháp khác để chi phòng, chống dịch Covid-19 và cam kết bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương, cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách chính sách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch Covid-19 trong năm 2021 và năm 2022.

Lùi cải cách tiền lương

Về thực hiện chính sách tiền lương, Nghị quyết quyết nghị lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại Khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.

Đồng thời cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán dành để cải cách chính sách tiền lương, bao gồm: thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định…

Liên quan đến vấn đề này, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho hay, hiện nay thu ngân sách nhà nước khó khăn, chi ngân sách nhà nước tăng cao, đặc biệt là chi cho phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế đang là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

"Trước mắt trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép chưa nâng lương cho người có thu nhập thấp, mới đi làm, người hoạt động chuyên trách xã, phường; đề nghị Chính phủ nghiên cứu, cân đối nguồn lực, sớm thực hiện cải cách tiền lương, góp phần bảo đảm đời sống cho người hưởng lương, nhất là đối tượng có mức lương thấp", ông Cường nói.

Ngoài ra, Nghị quyết giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ để phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tiếp tục cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững; tập trung chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại; đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp...

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả để dành nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng, khắc phục hậu quả thiên tai; cắt giảm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức lễ kỷ niệm, hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài;…

Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2021; việc chuyển nguồn vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022 phải tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp bất khả kháng, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.

Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương.