Chống hối lộ
Trong buổi gặp gỡ các nhà đầu tư Hàn Quốc mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Lê Thanh Cung, có phát biểu gây chú ý khi kêu gọi các doanh nghiệp cùng chính quyền chống vấn nạn cán bộ cơ quan công quyền vòi vĩnh, nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Bình Dương được biết đến như là địa phương hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài bằng chính sách “trải thảm đỏ” hiệu quả, từng là địa phương đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, chỉ số này bị tụt xuống vị trí thứ 5 và 10.
Tại sao ông Cung chỉ thẳng 2 ngành thường nhũng nhiễu doanh nghiệp là hải quan và thuế? Bởi đây là những ngành “nhạy cảm” với doanh nghiệp. Ai đi làm các thủ tục hải quan, thuế đều phải “biết điều” - như là chuyện tự nhiên phải vậy!
Tại buổi đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan do Bộ Tài chính tổ chức ngày 27-9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng các thủ tục thuế và hải quan vẫn chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Tuấn cho rằng dự án Luật Sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế sẽ được trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới, hy vọng sẽ giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại.
Thủ tục hải quan vẫn có nhiều bất cập, làm khó cho doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý đã thấy và nhiều lần cải tiến nhưng tiêu cực trong ngành này vẫn không dứt. Tất cả những vấn đề đó làm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước ái ngại, ảnh hưởng lớn đến nỗ lực thu hút đầu tư.
Intel thành công trong việc đối phó với vấn nạn này nhưng nhiều công ty khác có lẽ không và đôi khi họ phải “nhập gia tùy tục”. Điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư.
Mức độ hấp dẫn đầu tư ở Việt Nam đang giảm, trong đó môi trường đầu tư được các doanh nghiệp quan tâm nhất. Có thể chúng ta sẽ đón một dòng đầu tư mới do những khủng hoảng đang diễn ra trong khu vực. Đó là cơ hội và cũng là thách thức, nếu không tự làm trong sạch môi trường đầu tư.