1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chống doanh nghiệp “giả chết”

Hồ sơ giải thể doanh nghiệp không chính xác, giả mạo thì các thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm cá nhân cho việc thanh toán nợ.

Hiện nay có tình trạng DN đang nợ lại xin giải thể, đang tranh chấp quyền lực lại xin đổi người đại diện pháp luật... gây rối cho đối tác cũng như cơ quan chức năng.

 

Đang vui thì… giải tán

 

Công ty Cổ phần Dịch vụ Phú Nhuận ở TP.HCM (Maseco) có hợp đồng mua hơn 500 tấn cà phê với Công ty TNHH Hưng Bình ở tỉnh Gia Lai. Maseco ứng gần 4,4 tỉ đồng nhưng Hưng Bình không giao hàng như thỏa thuận. Maseco đòi lại tiền thì Hưng Bình chỉ trả bớt một phần, vẫn còn nợ gốc gần 3,2 tỉ đồng. Maseco kiện ra tòa đòi tiền nợ lẫn tiền lãi, sau đó thắng kiện.

 

Thế nhưng việc kiện tụng đang đến hồi gay cấn thì Hưng Bình giải thể DN!

 

Để được giải thể, công ty này đã lấy lý do là hoạt động kinh doanh không hiệu quả, mất khả năng tài chính. Hưng Bình cũng xin xác nhận của cơ quan thuế rằng không còn nợ thuế hay tiền phạt, đã trả hóa đơn, đã kiểm tra quyết toán… Trong hồ sơ xin giải thể, Hưng Bình khai báo là không còn nợ lương công nhân và đã thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quan hệ với khách hàng. Công ty này cũng báo cáo rằng đã đăng bố cáo giải thể trên ba số báo liên tiếp, theo đúng quy định. Từ đó mà Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Gia Lai đã giải quyết cho công ty này giải thể.

 

Maseco cho rằng Hưng Bình còn nợ chưa thanh toán mà lại báo cáo “sạch nợ” là cố tình gian dối để được giải thể nhằm trốn tránh trách nhiệm trả nợ. Vì vậy Maseco khiếu nại đến Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai.
 
Chống doanh nghiệp “giả chết” - 1
Hiện cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ chứ không xác minh tình hình thực tế về nợ của DN khi xin giải thể.

 

Giải thể: Có hồ sơ phải duyệt

 

Sở KH&ĐT tỉnh Gia Lai có viện dẫn quy định của Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn, cho rằng DN gửi hồ sơ xin giải thể thì Sở phải giải quyết trong vòng bảy ngày. Cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ chứ không xác minh tình hình thực tế về nợ nần, công cán lao động của DN. DN tự khai và tự chịu trách nhiệm với hồ sơ xin giải thể của mình.

 

Sở này cũng hướng dẫn Maseco cách giải quyết theo nghị định hướng dẫn Luật DN. Theo đó, trường hợp hồ sơ giải thể không chính xác, giả mạo thì các thành viên của công ty phải liên đới chịu trách nhiệm cá nhân cho việc thanh toán nợ, trách nhiệm theo tỉ lệ vốn góp tại công ty.

 

Cụ thể, trường hợp Công ty Hưng Bình có hai thành viên thì bà Lê Thị Thanh Bình, chiếm 99,63% vốn điều lệ nên chịu trách nhiệm trả 99,63% số nợ, thành viên kia chịu phần còn lại.

 

Theo cách xử lý này, Maseco đã kiện hai thành viên của Công ty Hưng Bình (đã giải thể) ra tòa. Giữa tháng 9, tòa đã xử sơ thẩm. Tòa cũng dựa vào nghị định hướng dẫn Luật DN, cho rằng hồ sơ giải thể của Công ty Hưng Bình là gian dối, không chính xác, không trung thực, vì vậy xử hai thành viên của công ty phải trả nợ.

 

Chủ động ngăn “chết”

 

Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho biết các Sở KH&ĐT thường hỏi ý kiến cơ quan thuế và công an trước khi chấp thuận hồ sơ giải thể của DN. Việc DN có nợ tiền khách hàng, đối tác hay không thì cơ quan đăng ký kinh doanh không thể biết được. DN chủ nợ có thể gửi thông báo đến Sở để ngăn chặn việc DN đang nợ lại làm thủ tục giải thể. Nếu DN không kịp làm việc ngăn chặn, DN nợ đã giải thể xong thì chủ nợ có thể giải quyết như trường hợp của Maseco nói trên.

 

Ông Nguyễn Sơn Tùng, luật sư điều hành của Công ty Luật Legal United Law, cho biết gặp trường hợp khách hàng có tranh chấp với đối tác thì công ty thường gửi thông báo đến Sở KH&ĐT để ngăn chặn các thay đổi của đối tác, trong đó yêu cầu ngăn chặn đổi người đại diện pháp luật, chuyển nhượng vốn góp, ngăn chặn giải thể. Nếu DN giải thể rồi thì các thành viên phải chịu trách nhiệm cá nhân để trả nợ nhưng sẽ khó khăn cho chủ nợ. Bởi lẽ chủ nợ khó mà kiểm soát sự tẩu tán tài sản của cá nhân. Vì vậy ngăn chặn trước vẫn hơn.

 

Ông Tùng cũng cho biết nếu DN thực sự không còn khả năng thanh toán nợ thì phải “chết” theo đúng thủ tục phá sản, theo Luật Phá sản (năm 2004). Thủ tục phá sản là con đường minh bạch để giải quyết nợ nần, làm rõ nợ ai, nợ bao nhiêu, DN còn lại những tài sản gì, đủ trả cho ai, trả bao nhiêu… Chỉ khi “sạch” nợ thì mới được làm thủ tục giải thể.

 

“Đóng băng”

 

Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cho biết thời gian qua có rất nhiều trường hợp DN gửi thông báo ngăn chặn việc thay đổi thông tin đăng ký kinh doanh, nguyên nhân nợ nần thì ít, nguyên nhân tranh chấp nội bộ lại nhiều.

 

Các lý do mà DN đưa ra thường là người đang làm đại diện đó có nhiều nghĩa vụ chưa thực hiện xong, nếu hết làm đại diện thì sợ “qua cầu rút ván”. Hoặc trong nội bộ đang có tranh chấp về quyền lực, nếu không ngăn chặn thì một người khác sẽ được lên làm đại diện, “đá” người đại diện cũ đi mà có khi các quyết định đó không hợp lệ…

 

Đặc biệt, cũng có những trường hợp DN có vi phạm pháp luật, có nợ thuế, đang bị điều tra… thì cũng cần được “đóng băng” hồ sơ. Khi hồ sơ được đánh dấu có vấn đề thì sẽ bị “đóng băng”, DN có không được thực hiện nhiều thủ tục.

 

Thời gian qua có khó khăn là cơ quan đăng ký kinh doanh tuy có thông tin cảnh báo từ các cơ quan khác (tòa án, công an, thuế…) hoặc có nhận thông báo yêu cầu “đóng băng” của DN nhưng chưa thể gắn kết thông tin này vào hồ sơ DN. Hồ sơ của DN hiện giải quyết trên mạng điện tử. Có thể sẽ xảy ra trường hợp đàng này nhận cảnh báo, đàng khác nhân viên đăng ký kinh doanh nhận yêu cầu giải thể thì vẫn cứ cho giải thể.

 

Để giải quyết khó khăn này, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh cho biết đang xây dựng phiên bản điện tử mới về đăng ký kinh doanh, trong đó có đưa vào chức năng cảnh báo, đóng băng trên mạng thông tin. Ví dụ, nhân viên nhận thông tin cảnh báo sẽ gắn cảnh báo vào hồ sơ điện tử. Nhân viên khác nếu có nhận hồ sơ giải thể của DN, mở hồ sơ điện tử trên mạng ra sẽ thấy DN này đang bị “đóng băng”, biết là hồ sơ này có vấn đề sẽ không giải quyết (và không thể giải quyết).

 

Thông tin trên một cổng

 

Hiện nay, DN có thể bố cáo thành lập DN, bố cáo giải thể, thông báo liên quan đến phá sản… trên các báo in hoặc báo điện tử. Việc đăng báo là nhằm công khai thông tin. Thế nhưng thực tế là các đối tác có liên quan không thể nào theo dõi hết các trang quảng cáo trên báo chí, vì vậy rất khó theo dõi luồng thông tin này.

 

Vì vậy, Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh dự kiến sẽ thực hiện việc đăng bố cáo trên cổng thông tin DN quốc gia. Ưu điểm là chi phí thấp, có mẫu chung (thay vì khổ to, khổ nhỏ loi choi như hiện nay), cộng đồng DN theo dõi thuận tiện, có thêm chức năng tìm kiếm thông tin DN…

 

Theo Quỳnh Như

Pháp Luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm