Chống buôn lậu thuốc lá – cần lộ trình thuế hợp lý

(Dân trí) - Mặt trận đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi từ năm 2019, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá nội địa tăng lên 75%, vô hình chung đã tạo chênh lệch kích thích cho thuốc lá lậu hoành hành…

Buôn lậu thuốc lá chưa bao giờ có dấu hiệu chấm dứt, diễn ra trên tất cả các tuyến biên giới. Theo báo cáo tại buổi tọa đàm “Vấn nạn buôn lậu thuốc lá – Những vấn đề đặt ra” tại Hà Nội mới đây, trong 4 năm (2014-2018) mới bắt hơn 1.000 vụ mới và chỉ xử lý hình sự 01 vụ.


Tọa đàm trực tuyến Vấn nạn buôn lậu thuốc lá-những vấn đề đặt ra (ảnh: Báo ĐCSVN)

Tọa đàm trực tuyến "Vấn nạn buôn lậu thuốc lá-những vấn đề đặt ra" (ảnh: Báo ĐCSVN)

Buôn lậu thuốc lá rất có sức hấp dẫn do lợi nhuận cao, thủ đoạn hoạt động phạm tội tuy không mới nhưng rất tinh vi, thuốc lá điếu nhập lậu vận chuyển thường bị phân tán, xé lẻ, ngụy trang kín đáo, trộn lẫn giữa các hàng hóa khác hoặc thuê mướn người khác vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau và không tập kết hàng như trước nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Điều đáng quan tâm là chính từ buôn lậu thuốc lá đã làm ngân sách nhà nước thất thu tiền thuế. Bên cạnh đó, chất lượng không được kiểm soát của sản phẩm thuốc lá lậu trôi nổi trên thị trường là tiếng chuông cảnh báo về an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng...

Trước tình trạng này, nhiều giải pháp đã được đề xuất trong buổi tọa đàm. Theo đó, ông Nguyễn Khánh Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho rằng, sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng hoạt động ở vùng biên giới với các cơ quan trong nội địa như công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường... đóng vai trò rất quan trọng. Nếu không phối hợp tốt sẽ dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu thông tin, hiệu quả đấu tranh thấp; đồng thời phải đẩy mạnh quan hệ quốc tế. “Nếu chúng ta phối hợp tốt với Campuchia thì chắc chắn việc ngăn chặn thuốc lá lậu sẽ hiệu quả hơn rất nhiều” – ông Quang nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Nhà nước cần quan tâm một cách đồng bộ về hỗ trợ chính sách cũng như phương tiện, công cụ, thậm chí cơ chế để giúp lực lượng chống buôn lậu hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng chúng ta đều biết, tác hại thuốc lá lậu khủng khiếp hơn tác hại của thuốc lá nói chung. Thuốc lá giả còn khủng khiếp hơn nhiều. Cho nên, hỗ trợ cho lực lượng chống buôn lậu chính là hỗ trợ cho hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá - mới thực sự là thực chất.

Cùng với đó, thuế là một giải pháp tốt. Nước nào cũng dùng giải pháp về thuế không chỉ riêng thuốc lá. Nhưng thuế không phải là tất cả. Chúng ta đổ tại thuốc lá Việt Nam rẻ, nhưng không thể lại được thuốc lá lậu. “Tôi cho rằng, đứng ở góc độ chống buôn lậu thì càng tăng thuế càng khó chống buôn lậu. Nhìn các nước xung quanh giáp biên giới với Việt Nam như Lào, Campuchia thì thuế tiêu thụ đặc biệt thấp hơn Việt Nam. Nếu tăng thuế lên thì vô tình mình tạo vùng trũng ở Việt Nam, kích cầu buôn lậu. Tôi đồng ý với thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng phải có lộ trình để Quốc hội thông qua, đảm bảo tính hợp lý, tránh tạo vùng trũng” – ông Cương cho biết.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, cần hoàn thiện chính sách pháp luật về thuế, trong trường hợp tiến hành tăng thuế hay áp dụng biện pháp về thuế cũng phải phù hợp với điều kiện thực tế, đúng với mức độ chống buôn lậu thuốc lá diễn ra như thế nào, nhiều khi tăng thuế lại có tác dụng ngược lại. Phải có sự đồng bộ giữa tăng thuế với chống buôn lậu thuốc lá.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật, cả các luật khác như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá… để bảo đảm tính đồng bộ.

Cuối cùng là giải quyết nguyên nhân sâu xa của tội phạm, bắt nguồn từ kinh tế, phải bảo đảm công ăn việc làm, phát triển kinh tế thì mới xóa được tận gốc mọi hành vi tội phạm, trong đó có hành vi buôn lậu thuốc lá.

Chống buôn lậu thuốc lá – cần lộ trình thuế hợp lý - 2

Khi thấy lực lượng CSGT đường thủy, các đối tượng chở thuốc lá lậu dùng gậy gỗ chống trả quyết liệt sau đó đâm tàu vào bờ bỏ trốn (một vụ bắt ở An Giang)