“Chơi” ngoại tệ như chơi dao!
Trong bối cảnh tỉ giá VNĐ/USD ổn định, thị trường nhà đất ảm đạm, giá cổ phiếu tuột dốc, nhiều người nghĩ đến kênh sinh lời từ đồng đô-la Úc ( AUD), đô-la Canada (CAD) và đồng tiền chung châu Âu (euro).
Theo quy định, nếu tỉ giá VNĐ/USD được hình thành trên cơ sở tỉ giá bình quân liên ngân hàng (NH) cộng với biên độ 1% thì điểm khác biệt của tỉ giá VNĐ/AUD, CAD, euro do tổng giám đốc của từng NH quyết định theo từng thời điểm.
Mặt khác, trên thị trường quốc tế, giá trị đồng AUD, CAD, euro tăng - giảm hàng giờ khiến tỉ giá của ba đồng tiền này tại Việt Nam liên tục biến động. Do đó, mức độ tăng - giảm của tỉ giá các ngoại tệ này so với VNĐ rất khó lường, thậm chí trong một ngày thay đổi cả chục lần, mỗi lần biến động từ 100 - 400 đồng/AUD, CAD, euro.
Giới kinh doanh ngoại tệ cho biết: Do nhu cầu thanh toán quốc tế bằng AUD, CAD, euro thấp nên các ngoại tệ này giao dịch rất yếu. Trong khi đó, giá mua vào AUD, CAD, euro thường thấp hơn giá bán ra 100-200 đồng. Có thời điểm giá bán của AUD tăng nhưng vì giá mua vào thấp hơn quá nhiều nên người bỏ vốn vào AUD không có lời. Sau đó, tỉ giá VNĐ/AUD bất ngờ đi xuống. Người đã bỏ vốn vào AUD đối mặt với thua lỗ.
Nhiều năm trước, lãi suất tiền gửi ngoại tệ phổ biến 6-8%/năm. Người “chơi” AUD, CAD, euro mua các ngoại tệ này rồi gửi vào NH để chờ cơ hội sinh lời, nếu chẳng may thất bại thì đã có lãi suất NH bù đắp một phần thua lỗ. Thế nhưng, hiện nay, lãi suất tiết kiệm AUD, CAD, euro xuống còn 1-4%/năm, người “chơi”AUD, CAD, euro gần như không có phương án phòng ngừa rủi ro khi tỉ giá VNĐ/AUD, CAD, euro đi xuống. Đó là chưa kể rủi ro liên quan đến các quy định về giao dịch ngoại tệ.
Theo ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NH Nhà nước Việt Nam, mọi giao dịch ngoại tệ phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Căn cứ vào hành vi của người mua - bán ngoại tệ trái phép, các cơ quan chức năng sẽ tịch thu số ngoại tệ hoặc xử phạt từ 50 đến 500 triệu đồng.
Theo Thy Thơ
NLĐ