Choáng với đại gia 7 tháng vượt kế hoạch năm, cổ phiếu bật tăng 95% từ đáy
(Dân trí) - Giữa mùa dịch, nhưng hoạt động kinh doanh của một đại gia Việt tăng mạnh là thông tin đáng chú ý tuần qua.
Ông Nguyễn Đăng Quang trở lại là “tỷ phú USD”
Phiên giao dịch ngày 15/5, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan quay đầu giảm 1.800 đồng xuống 62.100 đồng sau khi đạt mức tăng mạnh vào phiên 14/5. Trước đó, trong phiên 14/5, MSN đã được khối nhà đầu tư ngoại mua ròng rất mạnh tới gần 39 triệu cổ phiếu bằng hình thức thỏa thuận, giá trị mua ròng gần 2.500 tỷ đồng.
Tuần qua, tuy rằng cổ phiếu bị giảm giá, song giá trị tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang - ông chủ Masan tính đến 15/5 vẫn đang đạt 1 tỷ USD, giảm khoảng 26 triệu USD (2,46%) so với phiên giao dịch trước đó. Trước đó, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang từng đạt 1,3 tỷ USD vào hồi tháng 3/2019.
Ông Vượng và vợ đang nắm bao nhiêu cổ phần Vingroup?
Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (một doanh nghiệp của gia đình ông Phạm Nhật Vượng) đã bán ra 500 nghìn cổ phiếu VIC của Vingroup vào ngày 11/5.
Ông Phạm Nhật Vượng là cổ đông lớn sở hữu cổ phần chi phối trong tập đoàn này; vợ ông - bà Phạm Thu Hương cũng là cổ đông.
Sau giao dịch nói trên, Tập đoàn Đầu tư Việt Nam vẫn là cổ đông lớn nhất của Vingroup, sở hữu hơn 1,12 tỷ cổ phiếu VIC, tương đương 32,67% vốn điều lệ.
Trong khi đó, ông Vượng cũng nắm giữ trên 876 triệu cổ phiếu VIC, chiếm 25,43% vốn điều lệ Vingroup. Bà Phạm Thu Hương - Phó Chủ tịch Vingroup, nắm giữ trên 151 triệu cổ phiếu VIC, chiếm 4,21% vốn điều lệ.
Như vậy, tổng khối lượng cổ phần mà ông Phạm Nhật Vượng và vợ cùng công ty gia đình đang sở hữu tại Vingroup là xấp xỉ 2,15 tỷ đơn vị, tương ứng 62,31% vốn điều lệ. Giá trị thị trường của số cổ phần này ước tính khoảng 206.112 tỷ đồng.
Vận hạn 'vua cá tra', 10 năm vật lộn trả giá
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa thông qua quyết định đưa cổ phiếu HVG của Thủy sản Hùng Vương vào diện tạm ngừng giao dịch kể từ ngày 15/5. Lý do là bởi HVG của ông Dương Ngọc Minh tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Trước đó, hôm 6/5, HOSE đã có công văn nhắc nhở HVG lần 2 về việc chậm công bố báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất quý 1/2020 sau khi Sở GDCK TP.HCM đã có văn bản nhắc nhở lần 1 vào ngày 21/4.
Ngay trong ngày 11/5, Thủy sản Hùng Vương đã đưa thông tin về việc cổ phiếu bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch lên website của mình nhưng chưa đề cập tới việc giải quyết vi phạm về việc công bố thông tin.
Việc chậm công bố báo cáo tài chính của HVG diễn ra trong bối cảnh Thủy sản Hùng Vương gần đây có nhiều biến động, với sự xuất hiện của nhóm cổ đông lớn Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) với tỷ lệ nắm giữ tại HVG đã được nâng lên 35,01%.
“Choáng nặng” với cú ngược dòng của đại gia Lê Phước Vũ
Giữa lúc kinh tế chật vật vì Covid-19 thì “ông trùm” ngành tôn thép Lê Phước Vũ đã có cú ngược dòng ngoạn mục, lãi 7 tháng vượt kế hoạch năm, cổ phiếu bật tăng 95% từ đáy.
Theo đó, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen phiên ngày 12/5 tăng trần lên 8.440 đồng. HSG đã bật tăng mạnh mẽ xấp xỉ 95% so với thời điểm đầu tháng 4.
Phản ứng tích cực của nhà đầu tư sau khi tập đoàn của đại gia Lê Phước Vũ vừa công bố ước kết quả kinh doanh tháng 4/2020 với doanh thu đạt mức 2.233 tỷ đồng, lãi sau thuế 90 tỷ đồng.
Theo đó, luỹ kế doanh thu 7 tháng đầu năm (năm tài chính bắt đầu từ 1/10/2019 đến 30/9/2020), Hoa Sen đạt 14.597 tỷ đồng, hoàn thành 52% kế hoạch năm. Đáng chú ý là lãi trước thuế đã vượt 18% chỉ tiêu cả năm với con số 472 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận đạt được trong một số năm tài chính trước đó như năm 2012, 2014, 2018, 2019.
Thế Hưng