“Choáng” liên tục với đại gia Trịnh Văn Quyết, cổ phiếu FLC “gây sốt”

Mai Chi

(Dân trí) - Cổ phiếu FLC đã có một phiên bùng nổ cả về giá và thanh khoản sau khi tập đoàn này công bố báo cáo tài chính quý 3 và ông Trịnh Văn Quyết tuyên bố sẽ mua vào 30 triệu cổ phiếu.

Trong phiên giao dịch đầu tuần (2/11), kịch bản cũ lặp lại khi các chỉ số bất ngờ bứt tốc và “leo dốc”. VN-Index ấn định mức tăng 8,21 điểm tương ứng 0,89% lên 933,68 điểm còn HNX-Index tăng 1,53 điểm tương ứng 1,13% lên 136,87 điểm. UPCoM-Index tăng 0,23 điểm tương ứng 0,36% lên 63,08 điểm.

Đáng nói là thị trường phục hồi mạnh trên nền thanh khoản thấp. Tổng khối lượng giao dịch toàn phiên của HSX chỉ đạt 297,6 triệu cổ phiếu tương ứng tổng giá trị giao dịch là 5.343,8 tỷ đồng. Trên HNX, khối lượng giao dịch đạt 30,12 triệu cổ phiếu tương ứng 327,77 tỷ đồng và trên UPCoM là 9,82 triệu cổ phiếu tương ứng 130,73 tỷ đồng.

Sắc xanh là gam màu chủ đạo của bức tranh thị trường trong phiên cho thấy đà tăng đang lan toả mạnh mẽ. Số lượng mã tăng giá đạt 496 mã, có 50 mã tăng trần, áp đảo so với 247 mã giảm, 47 mã giảm sàn.

“Choáng” liên tục với đại gia Trịnh Văn Quyết, cổ phiếu FLC “gây sốt” - 1

Cổ phiếu FLC  của tập đoàn đại gia Trịnh Văn Quyết có phiên "gây bão" ngay đầu tháng 11

Sau thông tin về kết quả kinh doanh quý 3, cổ phiếu FLC được hỗ trợ mạnh. Mã này được đẩy giá tăng kịch trần lên 4.470 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh “khủng” 32,8 triệu đơn vị, không hề còn dư bán nhưng cuối phiên vẫn dư mua trần tới 5,55 triệu đơn vị.

FLC cũng là cổ phiếu dẫn đầu về thanh khoản trên toàn thị trường phiên hôm qua. Kế đến là TCB với 22,94 triệu cổ phiếu khớp lệnh, HSG với 15,61 triệu cổ phiếu khớp lệnh và HQC với 11,36 triệu cổ phiếu.

Tại FLC, ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục có “nước cờ” đáng chú ý và theo đó cũng kích thích lòng tham của nhà đầu tư. Theo thông tin mới nhất, trong ngày 2/11, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC đã có thông báo gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM thông báo việc đăng ký mua thêm 30 triệu cổ phiếu FLC với mục đích “tăng tỷ lệ sở hữu”.

Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 5/11/2020 đến ngày 4/12/2020, theo phương thức khớp lệnh. Tạm tính theo mức giá hiện tại thì dự kiến ông Quyết sẽ phải chi khoảng 134 tỷ đồng cho thương vụ nói trên.

Nếu giao dịch này thành công như đăng ký của ông Trịnh Văn Quyết thì vị đại gia này sẽ nắm giữ tổng cộng trên 200,43 triệu cổ phiếu, tương ứng 28,23% vốn điều lệ tập đoàn FLC.

Cùng với tin giao dịch nội bộ thì giá cổ phiếu FLC còn được hỗ trợ sau khi tập đoàn này công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3. Mặc dù, doanh thu thuần bị sụt giảm sâu 34% so với cùng kỳ xuống 3.424 tỷ đồng và hoạt động dưới giá vốn dẫn đến lỗ gộp 327 tỷ đồng nhưng FLC vẫn báo lãi sau thuế đạt gần 577 tỷ đồng trong ký, gấp gần 9 lần, lãi ròng đạt 287 tỷ đồng, gấp gần 12 lần cùng kỳ.

Theo giải trình của FLC, ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đã làm doanh thu giảm so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán trong kỳ bao gồm chi phí nhân công, thuê tàu bay, chi phí văn phòng, căn hộ… của mảng hàng không, khách sạn, du lịch.

Cú lội ngược dòng về lợi nhuận đầy ấn tượng của FLC chính là nhờ vào khoản doanh thu hoạt động tài chính hơn 1.317 tỷ đồng, tăng 182% so với cùng kỳ, nên ngay cả khi hoạt động dưới giá vốn, FLC vẫn có lợi nhuận thuần 605 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.

“Choáng” liên tục với đại gia Trịnh Văn Quyết, cổ phiếu FLC “gây sốt” - 2

(Đơn vị: Tỷ đồng; Nguồn: BCTC FLC)

Trở lại với thị trường chứng khoán, OGC hôm qua tương tự cũng tăng trần lên 7.620 đồng, khớp 1,14 triệu cổ phiếu, không có dư bán, dư mua trần hơn 443 nghìn đơn vị.

Nhiều mã tăng giá mạnh nhờ hiệu ứng mùa báo cáo kết quả kinh doanh. HSG tăng 6,3% lên 15.950 đồng, suýt chạm trần; ITA tăng 5% lên 4.830 đồng.

Cổ phiếu ngân hàng cũng khởi sắc. CTG tăng 4,8% lên 30.400 đồng; VCB tăng 3,4% lên 85.800 đồng; ACB tăng 1,7% lên 24.500 đồng; BVB tăng 1,7% lên 12.100 đồng; SHB tăng 1,3% lên 15.600 đồng; MBB tăng 1,1% lên 18.000 đồng; STB tăng 1,1%; BID tăng 1%; HDB tăng 0,8%; VPB tăng 0,8%; TCB tăng nhẹ 0,2%.

Nhóm ngân hàng cũng chính là nhóm dẫn dắt thị trường ở thời điểm hiện tại. Riêng VCB đóng góp 2,95 điểm cho chỉ số VN-Index; CTG đóng góp 1,48 điểm. VJC, GVR, BID, MWG cũng có ảnh hưởng tích cực.

Ở chiều ngược lại chứng kiến sự sa sút của một số “ông lớn” như GAS, PLX, VNM, VHM, HVN… nhưng mức giảm tại những mã này khiêm tốn, do đó ảnh hưởng không đáng kể lên thành tích chung.

Mặc dù chỉ số đã đạt được sự bứt phá đáng kể vào cuối phiên hôm qua, nhưng các chuyên gia phân tích từ Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục kỹ thuật và áp lực điều chỉnh có thể gia tăng trong phiên kế tiếp.

Đồng thời, nhóm phân tích cảnh báo: rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao, đặc biệt dòng tiền vẫn ở mức thấp tại các nhịp hồi cho thấy các nhà đầu tư chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường.

Điểm nổi bật là dòng tiền chủ yếu tập trung ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cho thấy tính chất đầu cơ chi phối chính đà hồi phục của thị trường cho thấy thị trường vẫn chưa nhận sự đồng thuận mạnh.