1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cho Việt kiều mua nhà: phải “quản” được thị trường

(Dân trí) - Tán thành mở rộng điều kiện để Việt kiều được mua nhà, nhưng nhiều ý kiến tại Thường vụ Quốc hội còn lo ngại về hành vi đầu cơ, về những tác động đến thị trường bất động sản… cũng như căn cứ pháp luật để xử lí những hành vi vi phạm.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở và điều 121 của Luật Đất đai tiếp tục được Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào sáng 16/4.
 
Theo dự thảo sửa đổi điều 126 Luật Nhà ở, những người có giấy phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên, có quốc tịch Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam thuộc các trường hợp như người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, người có công đóng góp cho đất nước, nhà khoa học, nhà văn hóa, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc ở Việt Nam, người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước đều được mua nhà để ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình tại Việt Nam.
 
Những Việt kiều không thuộc các trường hợp trên, nếu được miễn thị thực và đang tạm trú hợp pháp trong nước có giới hạn quyền sở hữu một căn nhà riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư để ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình tại Việt Nam.
 
Cho Việt kiều mua nhà: phải “quản” được thị trường - 1
Nhiều Việt kiều sẽ được mua nhà để ở tại Việt Nam.
 
Về vấn đề không giới hạn số lượng mua của những người thuộc trường hợp thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân giải thích, luật hiện hành không đề cập vấn đề được sở hữu một hay nhiều nhà ở và việc điều chỉnh lần này chỉ nhằm mở rộng đối tượng được mua.
 
Việt kiều có thể sở hữu 2 - 3 căn nhà ở Bắc, Nam vì nhu cầu công việc phải đi lại giữa các nơi, vấn đề đặt ra chỉ là ngăn việc mua nhà không để ở.
 
Việc bổ sung thêm câu “để ở cho bản thân và các thành viên trong gia đình tại Việt Nam” vào dự thảo luật theo ông Quân nhằm làm rõ hơn nội dung qui định. Cụ thể, giấy tờ mua nhà do cha mẹ đứng tên, nhưng con cái có thể về ở…
 
Góp ý với dự thảo luật, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, vấn đề Việt kiều mua kinh doanh hay không kinh doanh chưa được Chính phủ làm thật rõ. Cùng đó, việc nói mở rộng điều kiện được mua nhà không thay đổi thị trường bất động sản cũng chưa cung cấp đầy đủ cơ sở.
 
Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Pháp luật cho biết, ông rất băn khoăn với việc mở rộng điều kiện được mua. Theo ông, nếu mở toang thị trường nhà ở ra trong khi nhiều người dân trong nước chưa có điều kiện mua là điều đáng bận tâm.
 
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân đưa ra con số 700.000 căn hộ được tạo ra trong những năm vừa qua, trong khi thực tiễn số Việt kiều mua nhà đến nay mới chỉ là 140, chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, ông Quân chưa đưa ra được các dự báo trong trường hợp mở rộng điều kiện được mua.
 
Chưa yên tâm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đề nghị, việc mở rộng đối tượng được mua cần phải đảm bảo phát triển thị trường nhà đất trong tầm kiểm soát, hạn chế tính đầu cơ. Cùng đó, phải xem xét khả năng giải quyết của nhà nước với những hành vi vi phạm pháp luật.
 
Trong phát biểu trước đó, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đề cập đến trường hợp xác nhận không đúng đối tượng được mua sẽ giải quyết như thế nào, căn cứ theo pháp luật nào? “Nếu không làm rõ vấn đề này, lợi chưa chưa thấy đâu, rắc rối phức tạp xảy ra lại không biết xử lí thế nào”, ông Vượng phân tích.
 
Riêng về điều 121 Luật Đất đai (quyền và nghĩa vụ về sử đụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam), tiếp thu ý kiến của UB Thường vụ tại kì họp trước, dự thảo luật lần này tăng thêm 2 quyền cho chủ sở hữu, đó là quyền cho thuê và ủy quyền quản lí nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở.
 
Các ý kiến tại phiên họp lần này không đề cập nhiều đến các vấn đề cụ thể của điều 121 trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai.
 
Cấn Cường