Cho vay kỹ thuật số: "Chiến trường" fintech mới và khốc liệt của Việt Nam
(Dân trí) - Việc cho những người không có tài khoản ngân hàng vay tiền ẩn chứa rủi ro nhưng lại có thể mang lại lợi nhuận cao hơn.
Năm 2020, tờ Tech in Asia có bài viết về sự khốc liệt của cuộc chiến ví điện tử tại Việt Nam. Thời điểm đó, Việt Nam có gần 40 đơn vị cạnh tranh với nhau trên thị trường.
Để phát triển, lĩnh vực này cần mở rộng ra ngoài lĩnh vực thanh toán. Điều đó giải thích tại sao ZaloPay và MoMo giới thiệu các tính năng như mua trước, trả sau (BNPL) trong vòng 2 năm qua.
Theo Tech In Asia, những nỗ lực đa dạng hóa trên cũng phản ánh một xu hướng lớn hơn tại Việt Nam. Đó là thị trường fintech (công nghệ tài chính) có thể đang chuyển sang một phân khúc khác là cho vay kỹ thuật số.
Tại Việt Nam đang xuất hiện cơ hội để các công ty fintech cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cũng như cách để họ có thể vay tiền, đặc biệt là các khoản vay ngắn hạn.
Việc cho những người không có tài khoản ngân hàng vay tiền ẩn chứa rủi ro nhưng lại có thể mang lại lợi nhuận cao hơn. Một báo cáo năm 2022 của Google, Temasek và Bain&Company cho biết phân khúc cho vay tại Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 56% trong giai đoạn 2022-2025.
Trong số những công ty cho vay phi ngân hàng tại Việt Nam, có thể kể đến F88, đơn vị nhắm đến các khách hàng gặp khó khăn trong việc vay vốn từ ngân hàng hoặc tổ chức tài chính truyền thống. Công ty này cho biết họ có thể xử lý khoản vay chỉ trong 15 phút.
Trong vòng 5 tháng, công ty đã huy động thành công 110 triệu USD sau 2 vòng gọi vốn và đang chuẩn bị cho kế hoạch IPO (chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng) trong nước vào năm sau.
Công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings của Việt Nam ước tính 90% doanh thu của F88 vẫn đến từ hoạt động cho vay, phần còn lại đến từ việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm.
2 đối thủ cạnh tranh lớn nhất của F88 là Home Credit và FE Credit. Năm 2021, VPBank đã bán 49% cổ phần của công ty tài chính tiêu dùng này cho Tập đoàn SMBC của Nhật Bản, báo hiệu sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực cho vay kỹ thuật số của Việt Nam.
2 mô hình kinh doanh fintech đáng chú ý khác cũng nhắm mục tiêu chủ yếu đến người tiêu dùng Việt Nam ở nhóm thu nhập trung bình và thấp là ứng lương tức thì và mua trước, trả sau.
Các startup Việt Nam trong 2 phân khúc này như Gimo, Nano Technologies và Fundiin đều đã huy động được vốn đầu tư mạo hiểm trong 24 tháng qua. Tuy nhiên, trên toàn cầu và trong khu vực, cả 2 mô hình đều vấp phải chỉ trích.
Nhược điểm của mô hình ứng lương tức thì (cung cấp khoản thanh toán ngay lập tức cho người lao động trước ngày trả lương) là có thể khiến nhân viên gặp khó khăn hơn trong việc lập ngân sách chi tiêu và tiết kiệm trong thời gian dài. Trong khi đó, mua trước, trả sau có thể dẫn đến bội chi.
Trong cuộc phỏng vấn trước đây với Tech in Asia, ông Nguyễn Anh Quân, đồng sáng lập kiêm CEO của Gimo, cho biết công ty đặt ra tỷ lệ phần trăm nhất định trên số tiền lương kiếm được mà người dùng có thể rút ra để giảm thiểu tỷ lệ nợ khó đòi. Đến nay, Gimo đã huy động được 7,5 triệu USD và đặt mục tiêu có lợi nhuận vào năm 2028.
Vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của những startup như vậy trong mảng fintech của Việt Nam và liệu họ có thể mở rộng quy mô hay không. Ngoài đối thủ trong nước, họ cũng phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài khác.
Advance, startup có trụ sở tại Philippines chuyên cung cấp các khoản tạm ứng tiền lương cho nhân viên, gần đây đã huy động được 16 triệu USD và mua lại ứng dụng di động quản lý phúc lợi cho nhân viên BravoHR có trụ sở tại Việt Nam như một phần của quá trình mở rộng tại đây.
Năm ngoái, kỳ lân fintech Kredivo của Indonesia cũng đã liên doanh với Phoenix Holdings của Việt Nam để thâm nhập thị trường.