Chợ quê mùa nước nổi
Những ngày qua, cá linh non cùng các sản vật như: Rắn, rùa, lươn, cua, ốc… tập kết khá nhiều tại các chợ biên giới của vùng đầu nguồn An Phú.
Nhộn nhịp chợ rùa, rắn, ốc, cua đồng
6 giờ sáng, chợ biên giới xã Khánh An đã náo nhiệt. Dọc lộ ven sông Bình Di, tiếng rao mời của các tiểu thương, tiếng ngả giá của khách hàng đi mua sản vật mùa nước nổi đan xen làm tăng thêm không khí nhộn nhịp của một góc chợ quê ngày mới.
Theo người dân nơi đây, cứ vào mùa lũ hàng năm, chợ ốc đồng ở Khánh An lại sôi động. Đây không chỉ là chợ đầu mối phân phối ốc đồng cho các chợ, mà việc buôn bán ốc còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động trong mùa lũ. Hình ảnh cánh đàn ông tất bật khiêng ốc, cân ốc; còn đàn bà và trẻ con thì xúm xít lựa, phân loại lớn, nhỏ... rất khẩn trương.
Bà tư Lệ, chủ vựa ốc lớn nhất chợ Khánh An, cho biết: Mỗi ngày vựa của bà nhập hơn 2 tấn ốc đồng từ Campuchia qua. Sau đó, nhân công giúp bà chọn những con ốc lớn vô thùng, đưa lên xe tải giao cho bạn hàng ở Sài Gòn, Hà Nội; còn ốc nhỏ đưa đi tiêu thụ tại các chợ trong vùng.
Chợ ốc đồng nổi tiếng còn ở xã Vĩnh Hội Đông. Ông Sáu T. một chủ vựa có tiếng ở khu vực này cho biết, ngoài ngư dân địa phương, người dân Campuchia còn mang ốc sang để cân. Hiện, trung bình mỗi ngày vựa ông cân khoảng 2 - 3 tấn ốc đồng, sau đó phân loại bán cho tiểu thương các chợ trong vùng.
Không chỉ có ốc đồng, từ lâu ở Vĩnh Hội Đông còn nổi tiếng với đặc sản cua đồng. Con cua đồng ở Vĩnh Hội Đông có quanh năm, do ngư dân không chỉ đặt lọp các đồng nước trong tỉnh, mà nhiều người thuê đồng quanh năm ở Campuchia đặt lọp.
Ông H., một chủ vựa cua đồng có tiếng nhất, nhì ở Vĩnh Hội Đông cho biết, mỗi ngày thu mua vài tấn cua là chuyện thường, nhất là vào tháng 8, tháng 9 âm lịch. Theo ông H., cua “xô” (loại cân ngang) được mua với giá khoảng 20.000 đồng/kg, nếu cua lựa thì cao hơn, khoảng 28.000- 30.000 đồng/kg. Từ Vĩnh Hội Đông, cua đồng được vô bao rồi di chuyển ra các chợ trong và ngoài tỉnh.
Sản vật được chú ý ở các chợ biên giới An Phú mùa lũ còn là rắn. Buổi sáng, khi mặt trời vừa ló dạng trên cánh đồng mênh mông nước, chợ rắn phía sau Trung tâm Thương mại Khánh An đã nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Ngư dân người Việt, Khmer tấp nập ghé xuồng giao hàng là những túi, bao rắn đã được phân loại: Rắn trung, bông súng, rắn nước, rắn râu đồng giá 120.000 đồng/kg. Rắn hổ hành, hổ ngựa, hổ hèo khoảng 180.000 - 220.000 đồng/kg, rắn ri cá 200.000 đồng/kg, ri voi 350.0000- 400.000 đồng/kg, rắn hổ đất và mái gầm 800.000 đồng/kg.
Khan hiếm cá đồng
Nhiều người làm nghề đánh bắt cá lâu năm cho biết, chưa mùa lũ năm nào khan hiếm cá đồng như năm nay. Tại các chợ đầu mối cá đồng ở Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Vĩnh Hội Đông… cảnh mua bán cá đồng khá “lèo tèo”, hầu hết các sạp hay rổ cá được bày bán là loại cá nhỏ. Dọc Tỉnh lộ 941 (từ ngã ba Lộ Tẻ vào Tri Tôn), chợ “chồm hổm” ven đường cũng thưa vắng các loại đặc sản cá nước ngọt mùa lũ. Đa số là các loại cá hủn hỉn được bày bán trong các thau, rổ rất khiêm tốn.
Với thâm niên hơn chục năm mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá giáp biên giới Campuchia và vùng đầu nguồn, ông Bảy Hiền cho biết, ngồi cả ngày, giở lưới cả 2- 3 lần nhưng chỉ bắt được vài ký cá, trong khi mọi năm tha hồ bắt cá lớn, cá ngon theo dòng nước lũ về Việt Nam. “Hồi đầu mùa lũ chỉ bắt được cá linh có vài bữa, sau đó tự nhiên giảm hẳn, chỉ còn cá trèn, cá lăng, cá chạch...”.
Còn tư Dững, một ngư dân kỳ cựu ở Phú Hữu, cho biết: Từ đầu mùa nước nổi tới nay, thu nhập từ nghề đặt lú của ông rất khiêm tốn. Với chục cái lú, mỗi đêm chỉ thu hoạch được vài ký cá các loại, trong đó thiếu vắng các loại đặc sản như cá heo, chạch lấu…
Chính vì lũ trên sông Mekong trong các năm qua không cao nên sản lượng cá tự nhiên trong vùng bị giảm. Ngoài ra, việc xây các đập trên thượng nguồn cũng là một nguyên nhân làm giảm sút sản lượng cá của lưu vực. Mặt khác, việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường và tình trạng tận diệt thủy sản cũng làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống, số lượng thủy sản vùng đầu nguồn và ĐBSCL.
Theo Hữu Huynh
An Giang Online