1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cho phép M&A trong viễn thông theo cơ chế thị trường

Các doanh nghiệp viễn thông hoạt động kém hiệu quả, quy mô nhỏ sẽ được phép thực hiện mua bán, sáp nhập chuyển giao theo cơ chế thị trường.

Dự kiến khi Bản Dự thảo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 được thông qua, các hoạt động mua bán, sáp nhập, chuyển giao trong lĩnh vực viễn thông sẽ diễn ra sôi động hơn với các quy định khá thông thoáng.

 

Theo bản Dự thảo này, các doanh nghiệp viễn thông hoạt động kém hiệu quả, quy mô nhỏ sẽ được phép mua bán, sáp nhập, chuyển giao (M&A) theo cơ chế thị trường. Mặt khác Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp viễn thông khống chế thị trường thực hiện việc tập trung kinh tế, chuyển quyền sử dụng tài nguyên viễn thông theo xu hướng độc quyền hóa và làm giảm mức độ cạnh tranh trên thị trường viễn thông.

 

Song song với việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp M&A theo cơ chế thị trường, bản Dự thảo Quy hoạch này cũng đề cập đến việc cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp viễn thông mà nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển viễn thông. Đồng thời tổ chức lại phần viễn thông trong Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

 

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông hiện có 9 doanh nghiệp được cấp phép thiết lập hạ tầng mạng viễn thông, trong đó theo Danh mục các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng Nhà nước nắm cổ phần chi phối được ban hành vào tháng 10/2011, Nhà nước chỉ nắm cổ phần chi phối tại 5 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp mà nhà nước nắm cổ phần chi phối bao gồm VNPT, Viettel, Đông Dương Telecom, GTel, Vishipel; các doanh nghiệp nằm ngoài Danh mục trên là FPT Telecom, EVNTelecom, Hanoi Telecom và SPT.

 

Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, không bắt buộc nhưng tùy thuộc vào từng thời kỳ, Nhà nước sẽ thực hiện thoái vốn tại các Doanh nghiệp không thuộc Danh mục doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

 

Trong khi đó, theo bình luận của tiến sĩ Mai Liêm Trực, thực sự thị trường Viễn thông Việt Nam trong thời gian qua mặc dù đã mở cửa cạnh tranh nhưng chưa tạo được điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào thị trường này.

 

Mặt khác, cũng theo Dự thảo Quy hoạch không hạn chế số lượng các doanh nghiệp tham gia vào thị trường viễn thông nhưng cũng sẽ có những biện pháp để tránh việc có quá nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường này, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực viễn thông.

 

Cụ thể, theo Dự thảo Quy hoạch, đối với một số thị trường dịch vụ viễn thông quan trọng (cố định đường dài trong nước, quốc tế; di động; internet băng rộng), thông qua các chính sách cấp phép, kết nối và quy hoạch tài nguyên viễn thông phù hợp để một mặt đảm bảo môi trường có ít nhất 3 doanh nghiệp tham gia hoạt động nhằm thúc đẩy cạnh tranh, mặt khác tránh việc tham gia quá nhiều, đặc biệt là của các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực viễn thông dẫn đến cạnh tranh quá mức và hiệu quả kinh doanh trên thị trường thấp.

 

Theo Đức Huy
Đầu tư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm