1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Cho mượn xe ô tô công trái quy định: Phạt tối đa tới 60 triệu đồng

(Dân trí) - Trường hợp cá nhân, tổ chức cho mượn, sử dụng tài sản công là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô không đúng quy định sẽ bị xử phạt tối đa 50 đến 60 triệu đồng.

Đây là một trong những nội dung nổi bật được nêu trong Nghị định số 63/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dự trữ quốc gia và kho bạc Nhà nước vừa được Chính phủ vừa ban hành.

Cho mượn xe ô tô công trái quy định: Phạt tối đa tới 60 triệu đồng - 1

Sẽ xử phạt hành vi cho mượn xe công sai quy định số tiền tối đa 50 đến 60 triệu đồng (ảnh minh họa)

Được biết, các quy định, điều khoản tại Nghị định 63/2019 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2019.

Theo đó, hành vi cho mượn, sử dụng tài sản công không đúng quy định như cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng tài sản công, không phân biệt có hợp đồng mượn hay không sẽ bị áp dụng các mức phạt hành chính như sau.

Cụ thể, phạt 1 đến 5 triệu đồng trong trường hợp mượn tài sản giá trị dưới 100 triệu đồng. Phạt từ 5 đến 10 triệu đồng trong trường hợp cho mượn tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Đặc biệt, cơ quan Nhà nước sẽ áp dụng hình thức xử phạt tối đa 50 đến 60 triệu đồng đối với trường hợp cho mượn tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

Về quy định về xử phạt đối với hành vi trao đổi, cho tặng tài sản công không đúng quy định. Chính phủ sẽ phạt tiền đối với hành vi vi phạm trao đổi tài sản công đổi lấy tài sản khác của tổ chức, cá nhân khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể, mức phạt từ 1 triệu đến 5 triệu đồng trong trường hợp trao đổi, cho tài sản dưới 100 triệu đồng. Phạt 5 đến 10 triệu đồng đối với tài sản trên 100 triệu đồng.

Mức cao nhất là xử phạt 10 triệu đến 20 triệu đồng trong trường hợp trao đổi trái quy định trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu xử phạt mức tiền từ 20 đến 50 triệu đồng nếu cho tặng tài sản công trái quy định, làm quà cho tổ chức, cá nhân khác.

Đối với hành vi lấn chiếm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, sẽ xử phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng nếu lấn chiếm trụ sở làm việc của cơ quan công quyền.

Đặc biệt, đối với hành vi chiếm đoạt tài sản công, nếu người vi phạm hành vi này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, sẽ bị phạt mức 1 đến 5 triệu đồng nếu tài sản công có giá trị dưới 100 triệu đồng.

Nghị định 63 quy định xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với tài sản công từ 100 triệu đồng trở lên. Từ 10 - 20 triệu đồng đối với trường hợp là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

Đối với hành vi sử dụng tài sản công cho kinh doanh, thuê, liên doanh, liên kết trái pháp luật, mức phạt được quy định từ 15 đến 20 triệu đồng trong trường hợp tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô.

An Linh