Chớ chạy theo... hầu kiện chống bán phá giá!

Việc bóng đèn huỳnh quang của VN bị kiện chống bán phá giá tại Ai Cập đầu tháng này có lẽ chưa phải là vụ kiện cuối cùng vì mặt hàng đồ gỗ nội thất cũng đang có nguy cơ bị kiện tại Mỹ. Trước đó, VN đã phải đối diện cho khoảng 20 vụ kiện kiểu này mà phần lớn sự thua thiệt lại rơi vào phía những DN làm ăn chân chính của VN.

Kiện lớn, kiện bé

Hai vụ kiện lớn nhất mà các DN VN phải hứng chịu là vụ cá tra, ba sa năm ngoái và vụ kiện tôm năm nay vào thị trường Mỹ. Với mức thuế áp vào từng DN từ 4-5% lên tới 35-40% đã khiến 2 mặt hàng này bị một cú sốc và chững lại rõ rệt, với số lượng kim ngạch giảm sút so với trước đó lên tới vài trăm triệu USD.

Một vụ kiện khác tuy không lớn bằng 2 vụ này nhưng hậu quả mà nó để lại rất nặng nề đó là vụ xe đạp bị kiện tại EU. Sau khi bị áp thuế chống bán phá giá, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã bị sụt giảm ghê gớm (11 tháng đầu năm nay chỉ đạt 45% mục tiêu cả năm).

Mặt hàng giày có mũ da bị EC kiện tuy chưa có phán quyết cuối cùng nhưng nhận xét sơ bộ mang tính áp đặt của họ vừa đưa ra đã khiến các DN sản xuất mặt hàng này hết sức bất bình. Nếu không có sự đấu tranh quyết liệt, với mức thuế mà EC dự kiến áp dụng có thể sẽ đẩy hàng chục ngàn lao động ngành giày vào thế khó khăn.

Mới đây nhất, việc Ai Cập quyết định kiện các DN VN bán phá giá mặt hàng đèn huỳnh quang vào nước này chắc chắn sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho các DN bởi trước đó chính mặt hàng này đã bị kiện tại EU và các DN đã bị một phen lao đao khi phải hứng chịu mức thuế lên tới 66%.

Với mặt hàng đồ gỗ (nhất là đồ nội thất trong phòng ngủ) xuất khẩu vào Mỹ cũng đang đứng trước nguy cơ có thể bị kiện bất cứ lúc nào, khi tốc độ xuất khẩu mặt hàng này XK vào Mỹ đã tăng 100% (với đồ gỗ nói chung) và tới 200% (với nội thất phòng ngủ nói riêng).

Hợp tác và chuyển hướng

Sau hơn 20 vụ kiện, ở thời điểm này không thể nói là các DN VN còn bị bất ngờ về các vụ kiện chống bán phá giá nữa. Phải hiểu rằng, đây là "chuyện thường ngày" trong đời sống thương mại thế giới thời hội nhập.

Bởi vậy, bà Đinh Thị Mỹ Loan - người đứng đầu Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Thương mại) đã thường xuyên đưa ra lời khuyên cho các hiệp hội và DN rằng, phải sáng suốt và hợp tác đi đôi với kiên trì và khéo léo. Tranh thủ sự ủng hộ từ giới luật sư, dư luận người tiêu dùng và các nhà nhập khẩu từ chính nước kiện ta.

Việc chiến thắng trong các vụ kiện là ít ỏi, nhưng không phải không có hy vọng. Còn nếu không thì chí ít cũng làm sao cho bên nguyên đơn hiểu rằng, những thông tin ban đầu mà họ có được ít nhiều mang tính cảm nhận, phiến diện một chiều. Hãy hợp tác và càng minh bạch hệ thống sổ sách, kế toán, hoá đơn chứng từ càng tốt.

Song đó là việc "chống" lại các vụ kiện khi sự việc đã rồi, còn về lâu dài, theo các chuyên gia thị trường cách khôn ngoan nhất vẫn là "tránh" được các vụ kiện. Muốn vậy cần phải chủ động, khéo léo. Khi đã ở ranh giới của vụ kiện cần phải có sự liên kết, bàn thảo thống nhất rất cao giữa các DN, không thể mạnh ai nấy chạy.

Có thể ví cuộc chơi này như trò tránh bẫy việt vị trong bóng đá, chỉ cần dâng lên hoặc lùi lại đúng lúc và hợp lý là có thể qua mặt được trọng tài. Muốn vậy, cách tốt nhất vẫn là chủ động điều tiết các thị trường.

Ví như mặt hàng da giày khi đã "ngửi" thấy mùi bị kiện ở EU, các DN cần hợp tác cùng nhau "ghìm" bớt tốc độ tăng trưởng vào thị trường này cũng như có sự tính toán, điều chỉnh lại giá cả để giữ một ranh giới an toàn. Hoặc như đồ gỗ, nếu đã nhận thấy đầy đủ các lời cảnh báo rằng có thể bị Mỹ kiện bất cứ lúc nào, các DN phải liên kết "hãm phanh" cho hợp lý.

Đồng thời với việc này, cần gấp rút chuyển hướng sang các thị trường khác. Theo giới buôn da giày và đồ gỗ quốc tế, EU, Nhật Bản đang là những thị trường rất tiềm năng cho đồ gỗ và Mỹ, Châu Phi sẽ có đất cho da giày. Dĩ nhiên là tại thị trường Mỹ, da giày sẽ gặp phải đối thủ không cân sức là Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu biết đi vào các "thị trường ngách" hoặc tìm ra các mẫu mã độc đáo thì vẫn có đất dụng võ!

Theo Đình Chúc
Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm