Chính thức lên sàn, Novaland "phả hơi nóng" vào chứng khoán cuối năm
(Dân trí) - Hiện tại, vốn hóa của Tập đoàn Novaland khoảng 29.500 tỷ đồng, đứng sau Tập đoàn Vingroup, với 111.575 tỷ đồng. Tuy nhiên, Novaland đã bỏ các doanh nghiệp khác như Kinh Bắc - KBC với 6.459 tỷ đồng, Vinaconex - VCG với 6.051 tỷ đồng, FLC là 3.139 tỷ đồng…
Lúc 9h sáng nay (28/12), Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM - HOSE đã công bố và trao quyết định niêm yết cho Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Tập đoàn Novaland) với mã chứng khoán: NVL.
NVL đăng ký niêm yết 596.199.234 cổ phiếu, tính theo giá tham chiếu là 50.000 đồng/cổ phần thì vốn hóa của Novaland khoảng 29.500 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ sẽ xấp xỉ 5.962 tỷ đồng.
Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Novaland cho biết, việc chính thức niêm yết trên sàn đánh dấu một chặng đường mới - chặng đường vươn xa của Novaland. "Chúng tôi sẽ phấn đấu để trở thành một trong những công ty bất động sản hàng đầu, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững cùng với sự phát triển của quốc gia", ông Nhơn khẳng định.
Dù mới bước chân vào lĩnh vực bất động sản năm 2007 nhưng đến nay, Novaland được đánh giá là công ty bất động sản hàng đầu tại TPHCM với hơn 40 dự án, trải khắp khu trung tâm tới khu Đông, Tây rồi Nam Sài Gòn.
Tính đến 1/12/2016, tổng số vốn điều lệ của Novaland là 5.962 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng đầu năm 2016, tổng tài sản Novaland đạt 32.480 tỷ đồng, mức doanh thu thuần là 7.176 tỷ đồng, vượt 6,55% so với kế hoạch doanh thu cả năm 2016; lợi nhuận sau thuế đạt 1.561 tỷ đồng, tương ứng 94,61% so với kế hoạch cả năm 2016.
Năm 2017, Novaland dự kiến sẽ tiếp tục bàn giao 7 dự án đã bán trong năm 2014 và 2015. Với đặc thù ghi nhận doanh thu của ngành bất động sản, tập đoàn này sẽ ghi nhận doanh thu thuần dự kiến là 17.528 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.144 tỷ đồng.
Trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, tập đoàn này cũng đã tận dụng cơ hội, thực hiện M&A hàng loạt các dự án để tích lũy được hơn 9,8 triệu m2 diện tích sàn xây dựng, đủ để phát triển ổn định trong 5 năm tới.
Sự “ăn nên làm ra” của Novaland đã "hút" các tổ chức tài chính nhảy vào rót vốn để mong tìm kiếm lợi nhuận. Nhờ đó, trong năm 2015, Novaland đã huy động gần 50 triệu USD, trong đó có 3 nhà đầu tư chiến lược là Dragon Capital; Vinacapital và một nhà đầu tư tài chính trong nước tham gia cùng đợt phát hành cổ phần ưu đãi chuyển đổi này. Năm 2016, NVL được tài trợ một khoản vay chuyển đổi trị giá 100 triệu USD từ Credit Suisse, một tổ chức tài chính uy tín nước ngoài, trong đó có 60 triệu USD đã được giải ngân trong tháng 7/2016. Tháng 11/2016, công ty đã hoàn thành đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ trên thị trường chứng khoán Việt Nam với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, Novaland cũng đã tiếp cận nhiều ngân hàng lớn trên thế giới và thời gian qua cũng nhận được những khoản tài trợ để phát triển dự án thông qua hình thức mua trái phiếu chuyển đổi của Novaland. Tính đến nay, Novaland đã huy động thêm hơn 60 triệu USD từ hai nhà đầu tư đến từ Thụy Sỹ và Hong Kong.
Nhiều chuyên gia đánh giá, NVL là cổ phiếu đáng đầu tư nhất ở thời điểm hiện tại. Với chiến lược phát triển dài hạn như Novaland đã công bố, cổ phiếu của Tập đoàn này sẽ sớm nằm trong nhóm có giá trị cao nhất trên thị trường chứng khoán.
Hiện tại, trên sàn chứng khoán có hơn 100 doanh nghiệp bất động sản niêm yết. Với mức giá chào sàn vào ngày 28 – 12 là 50.000 đồng/cổ phiếu, Novaland sẽ trở thành doanh nghiệp bất động sản có vốn hóa lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán, với 29.500 tỉ đồng.
Như vậy, vốn hóa của Novaland chỉ đứng sau Tập đoàn Vingroup, với 111.575 tỷ đồng. Tuy nhiên, Novaland sẽ bỏ các doanh nghiệp khác như Kinh Bắc – KBC với 6.459 tỷ đồng, Vinaconex – VCG với 6.051 tỷ đồng, FLC là 3.139 tỷ đồng, Khang Điền – KDH với 4.680 tỷ đồng, Đất Xanh Group – DXG là 3.099 tỷ đồng….
Công Quang