1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Chính sách tỷ giá kiểu “ăn xin” của Trung Quốc

(Dân trí) - Một quốc gia có thặng dư thương mại lớn và nền kinh tế phục hồi nhanh đáng lẽ đồng tiền phải tăng giá nhưng thực tế Trung Quốc lại thiết kế một đợt hạ giá mạnh đồng Nhân dân tệ (NDT). Hiện Trung Quốc đang neo tỷ giá vào đồng USD dần yếu đi.

Chính sách tỷ giá kiểu “ăn xin” của Trung Quốc - 1
Trung Quốc bị nhận định là duy trì đồng NDT yếu.
 
Chủ tịch FED Ben Bernanke khi phát biểu về Châu Á, sự mất cân đối quốc tế và khủng hoảng tài chính, đã không trực tiếp chỉ trích chính sách tỷ giá đáng xấu hổ của Trung Quốc nhưng ai cũng hiểu ý tứ đằng sau là gì.

Lối ứng xử chưa đẹp của Trung Quốc đặt ra một mối đe dọa ngày càng lớn cho kinh tế thế giới. Câu hỏi duy nhất bây giờ là thế giới, và đặc biệt là Hoa Kỳ, sẽ làm gì bởi không giống đồng bảng Anh, giá trị của đồng NDT không được quyết định dựa trên cung cầu.

Thay vào đó, chính quyền Trung Quốc neo tỷ giá ở một mốc cố định bằng cách mua hoặc bán đồng tiền của mình trên thị trường ngoại hối. Chính sách này chỉ có thể thực hiện được nhờ hạn chế nhà đầu tư tư nhân chuyển tiền qua biên giới.

Một chính sách như thế không phải lúc nào cũng sai, đặc biệt là ở một nước vẫn còn nghèo, nơi hệ thống tài chính có thể dễ dàng lung lay vì dòng tiền nóng không ổn định.

Thực tế, hệ thống này đã giúp Trung Quốc hạn chế thiệt hại từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á cuối những năm 90. Tuy vậy, câu hỏi cốt yếu ở đây là liệu giá trị mục tiêu của đồng NDT có hợp lý.

Thống kê đến năm 2001, có thể cho rằng cán cân thương mại của Trung Quốc không quá mất cân đối. Tuy vậy, từ đó đến nay, chính sách neo tỷ giá NDT/USD đã trở nên quá kỳ quặc.

Thứ nhất, đồng USD giảm giá, đặc biệt đối với đồng euro, vì thế nhờ giữ nguyên tỷ giá NDT/USD Trung Quốc đã hạ giá đồng tiền của mình. Trong khi đó, năng suất khu vực xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh nên thặng dư thương mại lớn.

Nếu đúng theo quan hệ cung cầu, giá trị đồng NDT phải tăng mạnh. Nhưng chính quyền Trung Quốc không để điều đó xảy ra. Họ dìm giá bằng cách bán ra một số lượng khổng lồ NDT, rồi thu về hàng đống tài sản nước ngoài mà hiện nay đã lên tới 2.100 tỷ USD.

Nhiều nhà kinh tế tin rằng cơn sốt mua tài sản của Trung Quốc giúp thổi phồng bong bóng nhà đất, đặt nền móng cho cuộc khủng hoảng tài chính.

Những nhà đầu tư từng đổ xô vào trái phiếu chính phủ Mỹ mong tìm trốn nương náu trong cơn bão khủng hoảng nay cũng vì lo ngại đồng USD mất giá mà lại hướng luồng vốn của mình vào sản xuất kinh doanh. Vậy nước Mỹ cần phải làm gì?

Giới chức Hoa Kỳ cực kỳ cẩn trọng khi đụng tới vấn đề Trung Quốc, tới mức Bộ Tài chính dù bày tỏ “mối quan ngại”, nhưng vẫn chứng thực trước Quốc hội rằng Trung Quốc không thao túng đồng tiền của mình. Không lẽ họ đang đùa?

Vấn đề là hiện nay sự thận trọng đó chẳng có mấy ý nghĩa. Cứ cho là Trung Quốc sẽ làm những gì phố Wall và Washington lo ngại, tức là bán bớt số USD của mình. Trong điều kiện hiện nay, điều đó thực tế còn trợ giúp thêm cho nền kinh tế Mỹ nhờ nâng cao sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu.

Nền kinh tế thế giới hiện vẫn ở trong thế hiểm nghèo, những chính sách kiểu “ăn xin” là không thể tha thứ được. Cần phải làm gì đó với chính sách tỷ giá của Trung Quốc.

Minh Tuấn
Theo NyTimes