Chính phủ thừa nhận kinh tế sẻ chia là bộ phận của nền kinh tế

(Dân trí) - "Không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế sẻ chia bởi kinh tế sẻ chia không phải bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế", Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ vừa được người đứng đầu Chính phủ ký ban hành.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định về Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, theo đó, mục tiêu nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các mô hình kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống.

Chính phủ thừa nhận kinh tế sẻ chia là bộ phận của nền kinh tế - 1

Mô hình kinh tế chia sẻ kiểu Grab đang thịnh hành ở Việt Nam cần hệ thống pháp luật thừa nhận và quản lý

Chính phủ đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm người cung cấp dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp cung cấp nền tảng.

Bên cạnh đó, Chính phủ khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số.

Quan điểm của Đề án là ủng hộ và thích ứng với xu thế phát triển mới của mô hình kinh tế chia sẻ trong điều kiện phát triển rất nhanh của công nghệ số trên thế giới; không cần thiết phải có các chính sách riêng biệt cho hình thức kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ do kinh tế chia sẻ không phải là một bộ phận tách rời hoặc một thành phần kinh tế riêng trong nền kinh tế.

Quyết định nêu rõ, quản lý nhà nước cần đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ.

Thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới trong mô hình kinh tế chia sẻ.

Chính phủ cũng khuyến khích xây dựng các mô hình kinh tế chia sẻ trên cơ sở phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Hiện kinh tế sẻ chia đang phát triển khá mạnh trong lĩnh vực giao thông vận tải, giao nhận, thương mại điện tử, nghỉ dưỡng... Sản phẩm của kinh tế sẻ chia được nhiều người nhắc đến nhất chính là hệ thống phần mềm Uber và Grab; dịch vụ thuê phòng Airbnb...

An Linh