Chính phủ quyết "siết" bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp
(Dân trí) - Với tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh đến cuối 2015 lên tới 21 tỷ USD, Chính phủ đã quyết định siết cơ chế bảo lãnh nợ cho doanh nghiệp với việc ban hành Nghị định số 04 năm 2017, chính thức có hiệu lực từ hôm nay (1/3). Trong đó, điều chỉnh giảm mức bảo lãnh Chính phủ từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không vượt quá 70%.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến 31/12/2015, tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh đã lên tới trên 459.000 tỷ đồng (xấp xỉ 21 tỷ USD) bao gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC – tiền thân là Vinashin), chiếm khoảng 17,6% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP.
Phát biểu tại buổi họp báo chuyên đề diễn ra sáng nay (1/3), ông Hoàng Hải - Phó cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết, hầu hết các khoản bảo lãnh của Chính phủ là dành cho dự án của khối doanh nghiệp nhà nước, đây là những dự án lớn, được đánh giá có ý nghĩa lớn về chính trị - xã hội.
Trong một báo cáo gửi Thủ tướng hồi năm ngoái, Bộ Tài chính đã bày tỏ mối lo ngại: “Các nghĩa vụ nợ dự phòng từ bảo lãnh Chính phủ là một trong những áp lực lên nợ công và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong tương lai”.
Đầu năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 04 thay thế Nghị định số 15 năm 2011 của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.
Nghị định số 04 có hiệu lực kể từ hôm nay (1/3/2017) đã điều chỉnh giảm mức bảo lãnh Chính phủ từ 80% tổng mức đầu tư của chương trình, dự án xuống còn không vượt quá 70%, tùy theo cấp độ quan trọng của chương trình, dự án.
Cụ thể, tối đa 70% đối với các dự án cấp bách được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; tối đa 60% đối với các dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở lên được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đâu tư; và tối đa 50% đối với các dự án khác.
Giá trị tài sản thế chấp được quy định rõ với mức tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.
Các mức phí bảo lãnh đã được điều chỉnh lại mới mức phí tối thiểu tăng từ 1,5%/năm trên số dư nợ được bảo lãnh lên 2%/năm; đồng thời bổ sung thêm hệ số năng lực tài chính của doanh nghiệp vào yếu tố tính phí bảo lãnh.
Nợ do Chính phủ bảo lãnh chiếm hơn 10%GDP
Theo ông Hoàng Hải, tính đến cuối năm 2016 nợ công của Việt Nam vào khoảng 64,13%GDP, nợ Chính phủ 53,62%GDP. Đóng góp đáng kể vào tỷ trọng nợ công là nợ do Chính phủ bảo lãnh, cuối năm 2016 vào khoảng 10,2%GDP.
Trả lời câu hỏi của PV Dân Trí tại cuộc họp, ông Hải cho biết, theo quy định, với những dự án được bảo lãnh nhưng doanh nghiệp không có khả năng trả được nợ thì cơ quan bảo lãnh (Chính phủ) có trách nhiệm nhận nợ, Quỹ tích lũy trả nợ sẽ trả nợ thay.
Song khi các doanh nghiệp khó khăn nhưng chưa phá sản thì doanh nghiệp buộc phải nhận nợ với Quỹ tích lũy trả nợ, và các khoản nợ chỉ thể hiện là các khoản nợ dự phòng chứ chưa chuyển thành các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ.
Một số dự án được Chính phủ bảo lãnh nợ có thể kể đến là dự án Xi măng Hạ Long, Xi măng Đồng Bành, Nhà máy Giấy Phương Nam…
Liên quan đến các dự án xi măng được bảo lãnh, ông Hải cho biết, phần lớn được bảo lãnh trước thời gian xảy ra khủng hoảng nợ châu Âu, lúc thị trường bất động sản vẫn còn phát triển mạnh.
Hiện dự án Xi măng Đồng Bành đã được chuyển về cho Vissai và Vissai đã tiếp nhận và trả nợ đầy đủ; dự án Xi măng Hạ Long chuyển về cho Vicem tiếp nhận và Vicem cũng đã trả đầy đủ các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh khi đến hạn.
Riêng dự án Nhà máy Giấy Phương Nam không có khả năng thu hồi vốn, Chính phủ đang phải trả nợ thay. “Chúng tôi đang đàm phán với đối tác ngân hàng của Áo để đàm phán phương án tài chính, chia sẻ rủi ro với khoản nợ này”, ông Hải cho hay.
Mặc dù vậy, đại diện Bộ Tài chính chưa cung cấp được cho báo giới về con số cụ thể các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh tại các dự án nói trên.
Bộ chủ quản không thể chỉ “đứng ngoài cuộc”
Tại báo cáo thẩm tra tình hình nợ công được Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội công bố hồi tháng 10 năm ngoái nêu trường hợp Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) – tên gọi của Vinashin sau tái cơ cấu - dự kiến nợ dự phòng ngân sách nhà nước phải ứng trả thay trong 10 năm tới lên tới 63.200 tỷ đồng...
Liên quan vấn đề này, ông Hoàng Hải cho biết, con số này không chỉ bao gồm các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh mà còn có những khoản nợ Chính phủ cho Vinashin vay lại - khoản này nằm ngoài phạm vi quy định của Nghị định 15 và Nghị định 04.
Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông Vận tải với vai trò là cơ quan chủ quản trình đề án tái cơ cấu SBIC, căn cứ vào đề án này, Bộ Tài chính sẽ xây dựng các phương án trả nợ của SBIC. Ban đầu, một số khoản nợ của SBIC được Chính phủ trả nợ thay, nhưng khi tổng công ty này tích tụ được tài chính thì sẽ phải trả nợ cho Chính phủ.
Ông Hoàng Hải cũng nói thêm rằng, việc cấp bão lãnh Chính phủ trước đây chủ yếu là dựa trên giải trình các chủ dự án mà không có trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan, như Bộ Xây dựng với ngành xi măng, Bộ Công Thương với ngành điện… Thế nhưng, trong Nghị định 04 mới ban hành đã quy định rất rõ vai trò của các bộ ngành tham gia vào quá trình cấp bảo lãnh, quản lý bảo lãnh.
“Không nói là các bộ ngành trả nợ thay nhưng phải có trách nhiệm tham gia góp ý kiến về mặt chuyên môn. Các dự án trong quá trình triển khai không thể tránh rủi ro và khó đảm bảo thành công 100%, nhưng khi xảy ra vấn đề thì phải quy lại trách nhiệm giải trình đối với các bộ ngành chủ quản”, ông Hải cho biết.
Tại Nghị định 04 năm 2017, quy trình, thủ tục thẩm định cấp bảo lãnh, thế chấp tài sản và quản lý rủi ro, trách nhiệm của các bên liên quan trong toàn bộ quy trình cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ đã được quy định cụ thể để thể hiện đầy đủ và làm rõ quy trình thực tế triển khai mà không làm tăng thêm thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, Nghị định này cũng bổ sung quy trình mới về ngân hàng phục vụ và tài khoản dự án để tăng cường công tác quản lý bảo lãnh, kiểm soát khả năng trả nợ của chủ đầu tư và giảm bớt rủi ro tài chính cho Chính phủ với tư cách là người bảo lãnh.
Ngoài ra, Nghị định 04 còn quy định cụ thể về điều khoản chuyển tiếp để hạn chế những vướng mắc có thể phát sinh cho các đối tượng liên quan trong giai đoạn đầu mới có hiệu lực.
Bích Diệp