Chính phủ Mỹ đóng cửa, hậu quả kinh tế tới đâu?
(Dân trí) - Việc chính phủ Mỹ đóng cửa không chỉ khiến người dân và các nhân viên chính phủ bị xáo trộn cuộc sống, mà có khả năng gây ra những hậu quả lớn cho nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu kéo dài.
Với việc quốc hội và Tổng thống Obama không đạt được thỏa thuận để cấp ngân sách cho chính phủ liên bang, hàng chục cơ quan liên bang Mỹ đã đóng cửa trong khi hàng trăm nghìn nhân viên bị buộc phải nghỉ không lương.
Vậy nhưng tác động tổng thể của sự việc này tới kinh tế Mỹ là gì? Tổng cộng chi tiêu của chính phủ đóng góp khoảng 1/5 GDP của Mỹ, do đó việc chính quyền liên bang đóng cửa sẽ có thể tác động lớn tới nền kinh tế. Nhiều nhà kinh tế đang nghiên cứu những đợt đóng cửa trước để dự đoán về ảnh hưởng của tình hình hiện tại tới sự phục hồi của kinh tế.
“Việc chính phủ đóng cửa đã trở nên phổ biến một cách đáng ngạc nhiên kể từ năm 1976”, Guy LeBas, trưởng bộ phận chiến lược sản phẩm thu nhập cố định của công ty Janney Capital Markets nhận xét. Ông chỉ ra rằng đây là lần thứ 18 kể từ năm 1976 đến nay chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động.
Tuy vậy đại đa số những lần trước đó việc này chỉ kéo dài một vài ngày. Với sự khác biệt lớn về quan điểm hiện tại giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa, các nhà phân tích đã lấy lần đóng cửa gần nhất vào năm 1995 – 1996 (trong tổng cộng 26 ngày) làm cơ sở để phân tích tình hình hiện nay.
LeBas ước tính nếu đợt đóng cửa năm nay cũng dài 26 ngày, tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý này sẽ sụt 0,8%. Tác động sẽ càng lớn hơn khi thời gian đóng cửa dài hơn. Sự sụt giảm tăng trưởng này một phần do tác động của việc 800.000 nhân viên liên bang bị buộc nghỉ ở nhà mà không có lương chi tiêu.
Tuy vậy các nhà phân tích tại công ty tư vấn Macroeconomic Advisers cho rằng tình trạng này sẽ có hiệu ứng dài hạn lên kinh tế Mỹ, và ảnh hưởng của nó sẽ tùy thuộc vào việc vấn đề được giải quyết ra sao và trong thời gian bao lâu.
Nếu tình trạng bế tắc kéo dài 2 tuần, tăng trưởng kinh tế quý này sẽ sụt 0,3%. Nhưng tác động đó sẽ bị đảo ngược ở quý sau đó, nếu chính phủ cho các nhân viên phải nghỉ không lương được truy lĩnh tiền lương, như từng xảy ra năm 1996. Hay nói cách khác, tác động kinh tế tổng thể của đợt đóng cửa này sẽ hầu như bằng 0 nếu hai đảng trong quốc hội Mỹ có thể nhanh chóng đạt được thỏa thuận.
Nhưng điều đó không có nghĩa là nền kinh tế Mỹ không hề hấn gì sau đợt đóng cửa. “Tổn thất kinh tế thực sự, vốn cực kỳ khó để đo lường, sẽ xuất phát từ tình trạng bất ổn tăng cao”, ông LeBas viết. “Tình trạng bất ổn cao hơn sẽ tạo ra sự do dự đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện các dự án mới, và sẽ khuyến khích người tiêu dùng…tiết kiệm thay vì chi tiêu”.
Các nhà kinh tế tin rằng mối đe dọa lớn hơn đối với sự tăng trưởng của Mỹ sẽ nằm ở việc quốc hội không thông qua tăng trần nợ công, một khả năng mà Bộ tài chính Mỹ dự báo sẽ xảy ra vào giữa tháng 10 này. Quốc hội Mỹ có quyền quyết định cả quy mô ngân sách của chính phủ và số lượng nợ công.
Và thường thì quốc hội khóa hiện tại sẽ không tán thanh với quy mô ngân sách do các khóa trước phê chuẩn, giúp chính phủ Mỹ có thể sẵn sàng nhận số nợ lớn hơn con số quốc hội khóa hiện tại sẵn sàng chấp thuận.
Nếu quốc hội không phê chuẩn việc phát hành trái phiếu Bộ tài chính mới, khả năng quốc hội có thể thanh toán đầy đủ phúc lợi xã hội, chi trả tiền lãi các khoản nợ hiện tại, hoặc thực thi các cam kết tài chính khác chính phủ liên bang chịu trách nhiệm sẽ là một dấu hỏi lớn. Ông LeBas cho rằng “nếu trần nợ công không được nâng lên vào thời điểm đó, hậu quả là khó lường”.
Hệ thống tài chính toàn cầu lệ thuộc nhiều vào chứng khoán nợ của Bộ tài chính Mỹ và đồng USD với tư cách đồng tiền của các giao dịch kinh tế. Do đó bất kỳ sự kiện nào có thể ảnh hưởng tới sự đáng tín cậy của chứng khoán nợ đó sẽ gây bất ổn lớn.
Và khác với việc chính phủ Mỹ đóng cửa, việc Mỹ không thể trả nợ đúng hạn là chưa hề có tiền lệ để rút ra những kết luận. Bởi vậy các nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường rất khó đoán được chuyện gì sẽ xảy ra nếu điều này thành sự thực vào cuối tháng này.
Thanh Tùng
Theo Time