Chính phủ đã “lệnh” dừng, vì sao Vietravel Airlines vẫn được cấp phép bay?

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng GTVT, trong bối cảnh dịch Covid-19, khi Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng lập hãng bay mới nhưng vì sao vừa qua hãng Vietravel Airlines lại được cấp phép...

Nội dung trên được đại biểu Quốc hội nêu lên tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều nay (6/11).

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - đoàn Ninh Thuận - chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT): Doanh nghiệp hàng không cho biết rất khó khăn và thiệt hại rất lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng khó tiếp cận với sự hỗ trợ của Chính phủ. Hiệp hội Vận tải hàng không thế giới dự báo, năm 2020 các hãng hàng không Việt Nam sẽ thiệt hại khoảng 4 tỷ USD. Do chưa nối được các đường bay quốc tế nên lo ngại mất toàn bộ mạng bay này. 

Về việc thành lập các hãng hàng không mới, Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã đồng ý không cấp phép thành lập trước năm 2020, tuy nhiên vừa qua Vietravel Airlines lại được Bộ GTVT cấp phép. Vậy trách nhiệm của Bộ GTVT trong việc tham mưu cho Chính phủ thành lập các hãng hàng không mới?

Sân bay là tiêu chí xác định làm "đại bản doanh" của hãng hàng không, nhưng thực tế có hãng lấy sân bay nhỏ như sân bay Phù Cát để làm "đại bản doanh"  xin cấp phép, trong khi sân bay này máy bay to không cất-hạ cánh được Điều này gây áp lực lên sân bay Nội Bài - Hà Nội và sân bay Tân Sơn Nhất - TP.HCM. Trong xã hội hóa các cảng hàng không cần phải có những giải pháp gì trong thời gian tới, để xã hội hóa không chỉ có lợi cho nhà đầu tư tư nhân?

Chính phủ đã “lệnh” dừng, vì sao Vietravel Airlines vẫn được cấp phép bay? - 1
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - đoàn Ninh Thuận (ảnh: Quốc Chính)

Những chính sách giải cứu hàng không 

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian qua các doanh nghiệp trong ngành hàng không bị thiệt hại rất nghiêm trọng. 

Về hỗ trợ các hãng hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin Bộ GTVT cùng các Bộ, ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp với các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp hàng không. Các doanh nghiệp cũng đã gửi các báo cáo về Bộ GTVT, Bộ đã xem xét hỗ trợ cho các hãng hàng không theo 2 nhóm cụ thể.

Nhóm liên quan đến trách nhiệm của Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ này cho biết thời gian qua đã thực hiện 4 giải pháp hỗ trợ, đó là: Tăng cường các chuyến bay giữa các sân bay lẻ, nếu các hãng hàng không đăng ký thì Bộ GTVT tạo mọi điều kiện để thúc đẩy phát triển hàng không trong nước.

Bộ GTVT đã làm việc với các hãng, các đơn vị, đặc biệt là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) để giảm giá dịch vụ sân bay, giảm phí cất-hạ cánh; tạo điều kiện cho doanh nghiệp có phương án kinh doanh mới, đơn cử như Bamboo Airways mua máy bay phản lực loại nhỏ để kết nối bay tới Côn Đảo, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh; điều chỉnh lại lịch bay của các hãng để tất cả các hãng được đối xử công bằng, có điều kiện kinh doanh để phát triển.

“Với hàng không trong nước, Bộ GTVT đã tham mưu với Chính phủ tạo điều kiện tốt nhất có thể để phát triển hàng không nội địa. Đến thời điểm này hàng không trong nước đã phục hồi, cơ bản đạt như cuối năm 2019. Hàng không quốc tế do ảnh hưởng của dịch ở nước ngoài vẫn có diễn biến phức tạp nên vẫn chưa khai thác bay trở lại” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho hay.

Đối với hỗ trợ doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ GTT cùng các Bộ, ngành đã tham mưu đầy đủ với Chính phủ. Chính phủ đã thảo luận, lấy ý kiến các thành viên Chính phủ và ban hành Nghị quyết liên quan đến hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hàng không. Tuy nhiên, đây là việc rất lớn đến ngân sách và các chính sách, do đó Bộ GTVT cũng kiến nghị việc giãn, hoãn, chậm trả các khoản vay ngân hàng, cũng như bổ sung vốn cho vay thêm để các doanh nghiệp có điều kiện tái cơ cấu.

Chính phủ lệnh dừng, vì sao Vietravel Airliens vẫn được cấp phép?

Về trách nhiệm thành lập các hãng hàng không, Bộ trưởng GTVT cho biết: Thời gian qua có 2 hãng hàng không mới thành lập là Vietjet và Bamboo Airways. Khi 2 hãng hàng không tư nhân này đi vào hoạt động thì dịch vụ hàng không rất tốt. Các Bộ, ngành, trong đó có Bộ GTVT đã nghiên cứu để tham mưu với Chính phủ trong việc thành lập các hãng.

Chính phủ đã “lệnh” dừng, vì sao Vietravel Airlines vẫn được cấp phép bay? - 2
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể (ảnh: Quốc Chính)

Gần đây có một số doanh nghiệp đăng ký thành lập hãng hàng không mới, Chính phủ đã có chỉ đạo sẽ rà soát lại tình hình, vì hiện nay các hãng đang khai thác thừa nhiều tàu bay, do đó nếu thành lập mới sẽ ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của các hãng đang hoạt động.

“Khi thị trường hàng không Việt Nam khôi phục lại như cuối năm 2019 thì chúng tôi sẽ tham mưu với Chính phủ về việc thành lập các hãng mới” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và cho biết "Riêng hãng Vietravel Airlines vừa qua được Bộ GTVT cấp phép, đây là thực hiện chủ trương đã được Chính phủ thống nhất từ năm 2019, khi chưa bùng phát dịch Covid".

Đối với hãng Thiên Minh đã đăng ký thành lập, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin: Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ GTVT xem xét nhưng sẽ chậm tham mưu cho Chính phủ trong bối cảnh mới như hiện nay.

Về trách nhiệm, theo ông Thể, hãng hàng không có trách nhiệm tính toán sản xuất kinh doanh, Bộ GTVT cùng các Bộ sẽ đóng góp để đề án khả thi và thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

Rút kinh nghiệm 2 dự án xã hội hóa

Đối với vấn đề xã hội hóa cảng hàng không, Bộ trưởng GTVT cho biết thời gian qua đã xã hội hoá rất nhiều. Tất cả các dịch vụ mặt đất, từ cung cấp xăng dầu, suất ăn, sửa chữa, dịch vụ... đều xã hội hóa và các đơn vị tư nhân tham gia rất nhiều ở các cảng hàng không.

“Gần đây có 2 dự án nhà liên quan đến xã hội hóa nhà ga hàng không ở Đà Nẵng và Cam Ranh, Bộ GTVT đã cấp phép cho 2 doanh nghiệp thực hiện. Tuy nhiên, việc này liên quan đến kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương về một số khu vực chưa được hoàn chỉnh. Bộ GTVT đang rút kinh nghiệm từ 2 dự án này; khắc phục những hạn chế, yếu kém mà Ủy ban kiểm tra Trung ương đưa ra và thực hiện đúng quy định của pháp luật” - Bộ trưởng GTVT thông tin.

Người đứng đầu ngành GTVT cũng cho biết hiện nay đang nghiên cứu thành lập “sổ đỏ” cho các hãng hàng không. Việc này liên quan tới phía quân đội, do các sân bay là quân sự chuyển sang dân dụng; đất quân sự, đất dùng chung giữa quân sự và dân dụng, đất dân sự hiện nay vẫn chưa rõ ràng.

Bộ GTVT đang khẩn trương cùng Bộ Quốc phòng thực hiện, sau khi có đầy đủ sổ đỏ thì Bộ GTVT sẽ tiến hành thủ tục liên quan đến xã hội hóa hàng không. Hiện 21 cảng hàng không, sân bay được Thủ tướng giao cho ACV là đơn vị doanh nghiệp Nhà nước quản lý, khai thác. Doanh nghiệp này sẽ có kế hoạch nâng cấp các nhà ga, trường hợp doanh nghiệp này khó khăn về tài chính thì sẽ được phép liên danh, liên kết với các cơ quan đơn vị theo quy định của pháp luật.

Trong chiều 6/11, trả lời chất vấn đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đặt câu hỏi chất vấn về hiệu quả đầu tư (ICOR). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết: ICOR là chỉ tiêu kinh tế hỗn hợp, phản ánh chúng ta cần bao nhiêu vốn đầu tư để tạo ra được một đồng tăng trưởng GDP.

"Giai đoạn 2011 - 2015, ICOR của chúng ta là 6,3; 2016 - 2019 là 6,1, tức là đã giảm đi rất tốt. Tuy nhiên, năm 2020 thì tăng lên do tình hình ảnh hưởng của COVID-19 và bão lũ  nên GDP năm nay giảm xuống" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Theo người đứng đầu ngành KH&ĐT, cần có thời gian dài thì mới đánh giá được hiệu quả của các công trình đầu tư, có độ trễ. ICOR hàng năm chỉ làm để tham khảo trong điều hành thôi, còn phải sau 5 năm mới đánh giá toàn diện được hiệu quả của việc đầu tư đó.