Chính phủ: 3 năm, vay gần 700.000 tỷ đồng
(Dân trí) - Chính phủ vừa có báo cáo gửi đến Quốc hội khẳng định, nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép. Sau gần 3 năm triển khai Luật quản lý nợ công, Chính phủ đã huy động được tổng khối lượng vốn vay khoảng 690.910 tỷ đồng.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công và việc thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng khác sử dụng vốn vay của Chính phủ.
Theo báo cáo này, các chỉ số về nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia tính đến 31/12/2012 tương ứng bằng 55,4%; 43,1% và 42% . Với những có số này, Chính phủ khẳng định nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép (trong đó, nợ công dưới 65% GDP, nợ Chính phủ dưới 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia dưới 50% GDP) .
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, trong cơ cấu nợ công, các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 78%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 21% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,0% so với tổng số dư nợ công, phù hợp với định hướng Chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Về cơ cấu các chủ nợ, các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ trong nước chiếm 28%. Trong số các chủ nợ nước ngoài, Nhật Bản vẫn là chủ nợ lớn nhất, chiếm 17%, Ngân hàng Thế giới chiếm 13%, Ngân hàng Phát triển Châu Á chiếm 8%, các chủ nợ khác chiếm 34%. “Cơ cấu các khoản nợ công của Việt Nam chủ yếu vẫn được huy động từ các khoản vay thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước, vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài từ các nhà tài trợ”, báo cáo cho hay.
Đề cập tới lãi suất, báo cáo cho biết, phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ có thời hạn dài với lãi suất ưu đãi (vay ODA). Trong đó có các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới có thời hạn 25 năm trong đó có 5 năm ân hạn, lãi suất 1,25% và phí quản lý là 0,75%; các khoản vay từ ADB có thời hạn 30 năm trong đó có 7 năm ân hạn, lãi suất 1-1,5%; các khoản vay từ Nhật Bản có thời hạn 30 năm trong đó có 10 năm ân hạn, lãi suất 1-2%. Bên cạnh đó, lãi suất trái phiếu Chính phủ trong nước được điều hành đảm bảo phù hợp với định hướng chính sách tiền tệ và thấp hơn lãi suất huy động vốn của hệ thống ngân hàng thương mại.
Luật quản lý nợ công được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2009, có hiệu lực từ 1/1/2010, theo báo cáo của Chính phủ, sau gần 3 năm triển khai, Chính phủ đã huy động được tổng khối lượng vốn vay khoảng 690.910 tỷ đồng (năm 2010 là 208.957 tỷ đồng; năm 2011 là 207.088 tỷ đồng; năm 2012 ước khoảng 264.865 tỷ đồng).
Trong đó, phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước 288.739 tỷ đồng; vay nước ngoài của Chính phủ 256.918 tỷ đồng và huy động từ các nguồn vốn nhàn rỗi trong nước là 165.253 tỷ đồng.
Cùng với con số về khối lượng vốn vay, trong 3 năm qua, Chính phủ sử dụng cho bù đắp bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) từ nguồn vốn vay trong nước và nước ngoài là 360.891 tỷ đồng, chiếm 53,8% tổng số vốn huy động của Chính phủ. Trong đó, vay trong nước là 267.967 tỷ đồng, chiếm 74,3% và vay nước ngoài là 92.924 tỷ đồng, chiếm 25,7% so với tổng số vốn vay bù đắp bội chi trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, sử dụng cho đầu tư các công trình, dự án giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế…theo các Nghị quyết của Quốc hội từ nguồn vay phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước là 146.000 tỷ đồng, chiếm 21,8% tổng số vốn huy động của Chính phủ. Trong đó, năm 2010 là 56.000 tỷ đồng; năm 2011 là 45.000 tỷ động và năm 2012 là 45.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, huy động các khoản vay nước ngoài của Chính phủ để cho vay lại, hỗ trợ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia là 163.993 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng số vốn huy động của Chính phủ. Nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại tập trung vào một số ngành, lĩnh vực chính là điện, dầu khí, công nghiệp và phát triển hạ tầng đô thị.
Nguyễn Hiền