Chiêu thức “nâng đời” kim cương
Vẻ đẹp diệu kỳ, sang trọng của kim cương đã tạo nên những bộ trang sức quyến rũ. Chính sức hút và bí ẩn đằng sau sự lộng lẫy đó khiến kim cương trở thành một biểu tượng không giới hạn và bất kỳ ai cũng muốn sở hữu…
Kim cương không rõ nguồn gốc
Theo giới kim hoàn trong nước, Việt Nam tuy không nhiều nhưng hoàn toàn có những viên kim cương mà giá trị của nó lên tới tiền tỷ. Song trên lãnh thổ của chúng ta đến giờ chưa có mỏ kim cương lẫn chưa bao giờ tìm thấy kim cương.
Cũng chính bởi lý do này mà nguồn cung ứng kim cương cho thị trường trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào con đường nhập khẩu, giá cả được điều chỉnh theo sự lên - xuống của thị trường kim cương (TTKC) thế giới. Và một bài toán mang tên “kim cương” với hàng loạt câu hỏi như “thật - giả, giấy khai sinh, giấy kiểm định, nguồn nhập khẩu, khâu thẩm định, bảo hành, giá quy chuẩn và sự thu mua”… đều chưa có một câu trả lời thỏa đáng cho người tiêu dùng Việt Nam (?)
Vì phải nhập khẩu 100%, để giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà nhập khẩu và đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ trang sức trong nước, từ năm 2005, Bộ Tài chính đã ra Quyết định số 69/2005/BTC giảm thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nguyên liệu kim cương, đá quý chưa gia công, chưa gắn nạp sẽ giảm từ 1% xuống còn 0%. Thực tế cho thấy TTKC trong nước luôn ở mức tiêu thụ mạnh nhưng sản phẩm đa phần do các cơ sở cung ứng kim cương đều nhập từ những nguồn không chính thức.
Đó là nguyên do dẫn đến chưa có một thống kê để đưa ra con số cụ thể về quy mô tiêu thụ kim cương ở thị trường Việt Nam, mà chỉ mập mờ ước tính vào khoảng vài trăm triệu đô-la mỗi năm cho nhu cầu kim cương của thị trường trong nước. Theo giới kinh doanh mỹ kim, nguồn kim cương được nhập về hiện nay đa dạng và đều không có nguồn gốc rõ ràng; trước kia có xuất xứ từ Mỹ, Nga va nay phổ biến từ Thái Lan, Campuchia hoặc Hồng Kông.
“Kim cương máu”
Để giảm chi phí đầu vào, một dòng kim cương không có nguồn gốc nữa được “mệnh danh” là “kim cương máu” cũng được các doanh nghiệp trong nước “ưa chuộng” nhập về bởi giá thành khá rẻ do chúng được bán ra từ các mỏ khai thác ở châu Phi… Đến nay, để xác định nguồn gốc và kiểm soát “kim cương máu” vẫn là một bài toán hóc búa đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Phân tích vì sao thuế nhập khẩu đá quý và kim cương đã được giảm xuống 0% mà tình trạng nhập lậu các mặt hàng này vẫn còn rất phổ biến, trên thực tế, khi nhập khẩu đá quý và kim cương, các doanh nghiệp phải nộp ngay 10% Thuế GTGT đầu vào tại các cửa khẩu, khoản thuế này doanh nghiệp phải cộng vào giá vốn. Giá trị của đá quý và kim cương rất lớn, nên nếu cộng 10% Thuế GTGT sẽ đội giá bán của mặt hàng này lên quá cao, không được thị trường chấp nhận.
Từ đấy dẫn đến việc các doanh nghiệp ngừng nhập khẩu chính ngạch kim cương từ Ấn Độ, Bỉ, Israel… để chuyển hướng sang mua kim cương lậu dường như là chuyện không khó lý giải. Từ đấy dẫn đến việc thị trường tiêu thụ trong nước vẫn “âm thầm dậy sóng” do nhu cầu của người dùng tăng cao, do việc “mập mờ” trong việc nhập khẩu, mua - bán.
Kim cương nhân tạo
Trên TTKC hiện nay còn xuất hiện kim cương nhân tạo (KCNT). Các chuyên gia cho rằng trước đây KCNT đã có song chỉ có màu trắng, nay KCNT đủ màu sắc: xanh, đỏ, hồng, tím, cam… xuất hiện tràn lan và được nhập khẩu tập trung từ Hà Lan, Bỉ hoặc Hồng Kông. Thực chất đây chỉ là một loại đá tổng hợp có tên Cubic Zirconia (CZ) có bề ngoài rất giống kim cương.
Với kỹ nghệ chế tác của thợ kim hoàn hiện nay, nếu người bán không nói rõ tính chất cũng như giá trị thực, người tiêu dùng không thể phân biệt đâu là đá CZ, đâu là kim cương tự nhiên (KCTN), KCNT. Và chính sự thiếu hiểu biết của khách hàng, không ít cơ sở đã nâng giá trị của đá CZ, hoặc bán đá CZ dưới “mác” KCNT để lừa khách hàng, dẫn đến sự không rõ ràng trong kinh doanh dòng sản phẩm này.
KCNT có độ bền và cứng giống KCTN nhưng lại được “khai sinh” trong phòng thí nghiệm, khác nhau ở một vài đặc điểm về ngọc dẫn đến việc KCNT chưa phổ biến để chế tác đồ trang sức do kích thước nhỏ, độ bền và trong không đạt chuẩn.
Ứng dụng lớn nhất của KCNT là được dùng trong ngành công nghiệp kỹ thuật quang học, chíp điện tử cao cấp. Đá CZ thực tế rất rẻ bởi không đủ tiêu chuẩn của độ bền, sự ánh chiếu, các giác cắt, mài không hoàn hảo, giá chỉ dao động ở mức vài trăm nghìn đồng tùy kích cỡ, màu sắc, không có giá trị thu mua. Ngành sản xuất nữ trang sử dụng CZ để thay thế cho KCTN để cho ra đời những sản phẩm trang sức bình dân, phổ thông.
Ở TTKC trong nước cũng đã quen với sự hiện diện của Synthetic Moissanite - một loại đá tổng hợp có độ cứng và khúc xạ ánh sáng tương đương với KCTN. Sự khác nhau giữa Cubic Zirconia, Synthetic Moissanite, KCNT với KCTN đó là chỉ có KCTN mới có giá trị vĩnh cửu, bởi giá thành rất cao và được thu mua lại mà không bị mất giá.
Cảnh giác với hàng “rởm”
Chính sự chưa minh bạch trên TTKC trong nước, cộng với trình độ thẩm định kim cương của người tiêu dùng còn nhiều hạn chế, trong đó số đông là “chưa biết gì” dẫn đến việc bị bên bán “ép giá” hay “mua hớ” sản phẩm đắt tiền này. Từ sự khẳng định của một số chuyên gia rằng phần lớn kim cương trên thị trường hiện nay đều không rõ ràng về nguồn gốc, là hàng trôi nổi và nếu làm thật thì chấp nhận không lãi, cho thấy TTKC rất phức tạp và nếu người tiêu dùng không “tỉnh táo” thì rất dễ bị “móc túi”.
Đứng trước thực tế thật - giả lẫn lộn, mỗi nơi mỗi giấy kiểm định, loạn giá thành của TTKC, để tránh bị “móc túi”, “bán lập lờ, mua ép giá”, người tiêu dùng phải tự trang bị một số kinh nghiệm khi mua loại sản phẩm cao cấp này.
Đầu tiên là nên chọn mua ở những thương hiệu uy tín, có chính sách thu đổi KCTN minh bạch, rõ ràng. Ngoài hóa đơn còn có Giấy kiểm định chất lượng kim cương để xác nhận việc nhập khẩu chính ngạch từ những nguồn cung cấp kim cương uy tín, để tránh mua phải kim cương nhập lậu, “kim cương máu” hoặc kim cương được “nâng đời”.
Đặc biệt Giấy kiểm định chứng tỏ sản phẩm kim cương đã được kiểm định bởi những cơ quan danh tiếng có giá trị trên toàn thế giới như GIA (Viện Đá quý Hoa Kỳ); AGS (Hiệp hội Đá quý Hoa Kỳ); IGL (Phòng thí nghiệm đá quý thế giới); EGL (Phòng thí nghiệm đá quý châu Âu)… nhằm đánh giá tiêu chuẩn 4C đã được xác lập và sử dụng trên khắp thế giới trong phân cấp chất lượng kim cương: Colour (Màu sắc), Clarity (Độ tinh khiết), Cut (Chất lượng chế tác) và Carat Weight (Khối lượng).