Chiến dịch tìm kiếm MH370 đã ngốn khoảng 100 triệu USD

(Dân trí) - Chiến dịch tìm kiếm chuyến bay mất tích MH370 của Malaysia Airlines đến nay đã kéo dài hơn 1 tháng và tiêu tốn khoảng 100 triệu USD, và có thể lên tới hơn 230 triệu USD. Đây chắc chắn sẽ trở thành chiến dịch tìm kiếm máy bay tốn kém nhất lịch sử.

Chiếc Boeing 777 đã biến mất hôm 8/3 với 239 người trên khoang, sau khi chuyển hướng đột ngột khỏi hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh, và được tin là đã rơi xuống vùng biển Ấn Độ Dương.

Chi phí tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích được nhận định sẽ lớn nhất lịch sử
Chi phí tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích được nhận định sẽ lớn nhất lịch sử

Hiện Úc, quốc gia đang dẫn đầu cuộc tìm kiếm tại một vùng biển xa xôi được miêu tả là “chưa được con người biết tới”, vẫn chưa đưa ra các con số chi phí của mình, nhưng Malaysia đã cảnh báo chi phí sẽ “khổng lồ”.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

“Khi chúng ta tính đến việc thu gom mảnh vỡ ở độ sâu 4,5km, không có quân đội nước nào có khả năng làm điều đó”, quyền Bộ trưởng giao thông kiêm Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein ngày 17/4 khẳng định. “Chúng ta phải viện tới các nhà thầu và chi phí cho việc đó sẽ khổng lồ”.

Ravikumar Madavaram, một chuyên gia hàng không tại công ty Frost & Sullivan Asia Pacific cho biết Malaysia, Úc và Trung Quốc, những quốc gia có nhiều công dân trên máy bay nhất, là những nước gánh nhiều chi phí nhất và hiện đã lên tới khoảng 100 triệu USD.

“Thật khó để nói chiến dịch này đã tiêu tốn bao nhiêu…nhưng chắc chắn đây sẽ là chiến dịch lớn nhất trong lịch sử ngành hàng không. Xét về chi phí nó sẽ là lớn nhất”, ông Madavaram khẳng định với hãng tin AFP.

Trong tháng đầu tiên của đợt tìm kiếm - diễn ra cả ở Biển Đông và eo Malacca, với sự tham gia của Mỹ, Malaysia, Singapore và Việt Nam - Lầu năm góc cho biết quân đội nước này đã phân bổ 7,3 triệu USD cho các nỗ lực tìm kiếm.

Trong khi đó, hoạt động tìm kiếm tại Ấn Độ Dương, với các thiết bị được Úc, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và New Zealand triển khai đến nay vẫn chưa tìm thấy bất kỳ kết quả nào.

Trong 3 tuần đầu tiên tham gia tìm kiếm, bắt đầu từ ngày 15/3, chính phủ Hàn Quốc đã chi 563.000 USD để điều một máy bay tuần tra P-3C Orion và một máy bay vận tải C-130 Hercules, cũng như các chi phí về thực phẩm và chi phí khác để hỗ trợ 39 phi công và các nhân sự liên quan, một người phát ngôn Bộ ngoại giao nước này cho biết hồi đầu tháng.

Các hy vọng giờ dồn cả cho tàu ngầm không người lái của hải quân Mỹ, được triển khai để dò tìm dưới đáy biển ở độ sâu 4500m, gần nơi 4 tín hiệu xung điện được tin là của hộp đen MH370 được ghi nhận.

David Gleave, một nhà nghiên cứu an toàn hàng không tại đại học Loughborough của Anh cho rằng chi phí “sẽ rơi vào khoảng 100 triệu USD nếu chúng ta tìm thấy máy bay ngay lúc này”.

Nhưng ông cho biết, việc cần thêm thời gian để tìm ra mảnh vỡ sẽ khiến chi phí tăng lên, do tiếp tục rà soát đáy biển “sẽ rất tốn kém, bởi chỉ có thể tìm kiếm khoảng 50 km2 diện tích mỗi ngày”.

Việc tìm kiếm được bất kỳ thứ gì cũng sẽ tùy thuộc vào vùng biển máy bay rơi xuống sâu chừng nào, và các mảnh vỡ nằm phân tán ra sao. Các yếu tố thời tiết và chính trị cũng sẽ khiến vấn đề thêm phức tạp, ông Gleave nói.

Bluefin 21 là hy vọng lớn nhất trong chiến dịch tìm kiếm hiện nay
Bluefin 21 là hy vọng lớn nhất trong chiến dịch tìm kiếm hiện nay

Số phận của MH370 đã khiến người ta không khỏi so sánh với cuộc săn tìm chuyến bay 447 của Air France, gặp nạn tại Đại Tây Dương năm 2009.

Sau 2 năm tìm kiếm và trục vớt hộp đen, với sự tham gia của các phương tiện của Pháp, Brazil và Mỹ, chi phí ước tính của Cục phân tích và điều tra của Pháp là vào khoảng 80 - 100 triệu euro.

Trung tâm điều phối các cơ quan hỗn hợp của Úc khẳng định chi phí không phải mối quan tâm chính, mà là việc tìm thấy chiếc máy bay.

“Đây là một trong những cuộc tìm kiếm khó khăn nhất từng diễn ra và có thể mất nhiều thời gian”, thông báo của JACC gửi AFP viết. “Chi phí của đợt tìm kiếm là lớn. Con số chính xác chưa thể được tính toán. Chi phí hiện đang được san sẻ giữa các đối tác quốc tế của chúng tôi, những nước đóng góp người và phương tiện để thực hiện việc tìm kiếm”.

Khi cuộc tìm kiếm tiếp tục được triển khai, tất cả các quốc gia sẽ tự trang trải chi phí. Nhưng các chính phủ và quân đội sẽ cần phải tính đến chi phí một lúc nào đó, Kym Bergmann, biên tập viên tờ Asia-Pacific Defence Reporter nói.

“Tôi không nghĩ người Úc sẽ không thay đổi gì từ mức khoảng 1 triệu đô la Úc (935.370 USD) mỗi ngày”, ông Bergmann nói.

Bộ trưởng giao thông Úc Martin Dolan nhận định tổng chi phí đến khi chiến dịch kết thúc sẽ vào khoảng 234 triệu USD nếu phải thuê các công ty tư nhân tham gia tìm kiếm.

Dù vậy, ông Dolan nhấn mạnh rằng con số này chỉ là một “ước tính rất sơ bộ” về một sứ mệnh tìm kiếm và trục vớt sẽ kéo dài.

Thanh Tùng
Tổng hợp
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước