Chỉ định thầu, loạn giá xét nghiệm Covid-19 và “tầm nhìn” của doanh nghiệp

(Dân trí) - Sau vụ “hét giá” mua sắm thiết bị xét nghiệm SARs-CoV-2 tại CDC Hà Nội, nhiều mức giá đối với hệ thống Realtime PCR tự động tại các địa phương khác được đưa gây "giật mình" về mức chênh lệch.

Trong danh sách bị can tại vụ án hình sự liên quan tới việc đấu thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm virus SARs-CoV-2 diễn ra tại CDC Hà Nội đang được dư luận quan tâm có Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.

Chỉ định thầu, loạn giá xét nghiệm Covid-19 và “tầm nhìn” của doanh nghiệp - 1

"Hậu trường" mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động phục vụ xét nghiệm SARs-CoV-2 đang được chú ý (ảnh minh hoạ)

Đón đầu nhập khẩu dự trù máy móc trước khi dịch bùng phát

Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông hiện là đơn vị lắp đặt và triển khai hệ thống xét nghiệm Covid-19 cho nhiều bệnh viện lớn trên cả nước như  Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Phổi T.Ư, Trung tâm CDC Quảng Ninh, CDC Hà Nội, Bắc Giang... Đồng thời cũng là công ty được Hải Phòng đề nghị mượn máy Realtime PCR.

“Sứ mệnh của chúng tôi là cung cấp các thiết bị y tế hàng đầu thế giới để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân Việt Nam” - đây là câu tự giới thiệu được Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông nhấn mạnh ngay tại giao diện chính của website công ty này.

Phương Đông cũng tự xưng là “đơn vị tiên phong” và “luôn dẫn đầu” tại Việt Nam trong lĩnh vực cung cấp thiết bị y tế bệnh viện sau 20 năm hoạt động.

Tìm hiểu của PV Dân Trí thông qua Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia thì Công ty TNHH Thiết bị Y tế Phương Đông được thành lập từ cuối tháng 11/2000, trụ sở chính đóng tại Đống Đa, TP Hà Nội.

Doanh nghiệp này hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy. Cụ thể, đó là buôn bán kinh doanh trang thiết bị y tế thiết bị môi trường, dụng cụ và hóa chất thí nghiệm.

Tuy nhiên, ngoài ngành nghề chính, doanh nghiệp này còn đăng ký kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách bằng ô tô; kinh doanh bất động sản; cho thuê máy móc, thiết bị; bán buôn thực phẩm; sản xuất thực phẩm chức năng; xuất bản phầm mềm, lập trình máy tính v.v.

Công ty này có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, ban đầu do 3 cá nhân góp vốn là ông Nguyễn Xuân Thanh (18,4 tỷ đồng, tỷ lệ 92%), bà Trần Thị Côi (1 tỷ đồng, tỷ lệ 5%) và ông Nguyễn Quốc Tuấn (600 triệu đồng, tỷ lệ 3%).

Đến tháng 8/2019 thì cổ phần của bà Côi và ông Tuấn được chuyển sang cổ đông mới là Nguyễn Quang Huy (1,6 tỷ đồng, tỷ lệ 8%).

Chỉ định thầu, loạn giá xét nghiệm Covid-19 và “tầm nhìn” của doanh nghiệp - 2

Ông Nguyễn Xuân Thành (sinh năm 1970) là người sáng lập, Tổng giám đốc và đại diện theo pháp luật của công ty này. Ông Thành là bác sĩ, khẳng định “luôn định hướng sự phát triển của Phương Đông là sự kết hợp giữa đạo đức kinh doanh và đạo đức nghề nghiệp”.

Và giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp này theo đuổi trong giai đoạn hiện nay là “tâm - tín - đức - chân - minh”. Điều này cũng được xác định là kim chỉ nam của các nhân viên công ty trong mọi hành động của mình và “nghiêm túc đảm bảo các giá trị đó”.

Đến nay, công ty này cho biết, đã có được đội ngũ quản lý sản phẩm - quản lý kỹ thuật - chuyên viên ứng dụng sản phẩm được đào tạo chính hãng đảm bảo chuyển giao công nghệ tốt và hiệu quả cho khách hàng.

Hồi cuối tháng 2, Phương Đông công bố rộng rãi đã nhập và cung cấp máy xét nghiệm Realtime PCR giúp rút ngắn thời gian xét nghiệm SARs-CoV-2 từ 10 ngày xuống còn 4 giờ.

Ông Nguyễn Xuân Thành đã tuyên bố rằng: “Với tầm nhìn chiến lược, ngay từ thời điểm dịch chưa bùng phát, Phương Đông đã nhập khẩu dự trù rất nhiều máy Realtime PCR, máy lọc máu liên tục, máy tim phổi nhân tạo cấp cứu ECMO để cung cấp cho các bệnh viện, đơn vị y tế nhằm sẵn sàng đối phó dịch”.

“Loạn” giá hệ thống Realtime PCR tự động

Như tin đã đưa, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) mới đây đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội (thuộc Sở Y tế Hà Nội) và một số đơn vị liên quan.

Đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện các lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với 7 người về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 222 bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Các bị can trong vụ án này đã có hành vi cấu kết, gian lận, thông đồng, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước.

Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, các hệ thống Realtime PCR tự động đã được CDC Hà Nội đưa vào với giá cao hơn rất nhiều so với giá thị trường.

Mức giá của hệ thống Realtime PCR hiện đang được quan tâm. Một lãnh đạo C03 cho biết, bước đầu đơn vị này đã xác định, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống Covid-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng.

Một hệ thống máy Realtime PCR xét nghiệm SARs-CoV-2 do hai doanh nghiệp ở Gia Lai là Công ty CP Chánh Nghĩa Quốc Cường và Công ty CP Dịch vụ Du lịch C.Travel Gia Lai mới đây tặng cho ngành y tế Gia Lai lại được cho biết có giá chưa tới 2 tỷ đồng. Máy này có xuất xứ từ Singapore.

Đáng chú ý, theo thông tin mà ông Đỗ Văn Hùng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết thì hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR mà địa phương này trang bị chỉ có giá 1,5 tỷ đồng. Mức giá này được giảm xuống đáng kể từ mức 1,65 tỷ đồng sau khi Quảng Trị đàm phán.

Việc mua bán các thiết bị trên tiến hành khoảng 1 tháng trước do CDC tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, thông qua hình thức chỉ định thầu.

Thậm chí, tại Đà Nẵng, hệ thống này đang được CDC Đà Nẵng sử dụng trong thời gian qua chỉ có giá trên dưới 1,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi CDC Hà Nội mua vào thì mức giá của thiết bị này lại được đẩy lên tới 7 tỷ đồng. Ngoài Hà Nội, một số địa phương khác cũng mua sắm thiết bị tương tự với mức giá trên dưới 7 tỷ đồng, thậm chí cao gấp 3-4 lần so với giá thị trường.

Tại Quảng Nam, tỉnh này đã phân bổ dự toán chi ngân sách năm 2020 cho Sở Y tế với số tiền 7,56 tỷ đồng để mua sắm hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động. Giá gói thầu đã bao gồm các loại thuế, phí, chi phí nghiệm thu, bốc xếp vận chuyển, lắp đặt, chuyển giao công nghệ… Hình thức là “chỉ định thầu rút gọn”.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết thêm, giá là do bên cung cấp đưa ra và sau khi thương lượng với nhà cung cấp thì mức giá trên giảm còn 7,2 tỷ đồng.

Trong khi đó, ở Quảng Ninh, Sở Y tế tỉnh này đã mua hệ thống nói trên với giá 7 tỷ đồng cũng thông qua chỉ định thầu.

Được biết, ngày 19/3, Sở Y tế Quảng Ninh đã chuyển tạm ứng 4,2 tỷ đồng cho bên trúng thầu nhưng tới 21/4 bên trúng thầu đã hoàn lại số tiền 4,2 tỷ này.

Còn tại Thái Bình, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này thì lại cho biết đã đàm phán thành công với nhà thầu giảm giá hệ thống thiết bị này hoàn chỉnh từ hơn 6 tỷ đồng còn 5,2 tỷ đồng.

Với nguyên tắc “thuận mua vừa bán” thì phía doanh nghiệp thường muốn bán giá cao. Song do được thực hiện dưới hình thức chỉ định thầu nên mức giá quá cao mà các bên đưa ra sẽ không tránh khỏi bị thắc mắc, nghi vấn về sự thông đồng giữa doanh nghiệp và khách hàng (đơn vị công lập, Nhà nước) nâng giá bán để ăn - chia chênh lệch.

Kết quả cuối cùng về trách nhiệm lãnh đạo các doanh nghiệp cung cấp trong hoạt động mua bán này đến đâu, cần chờ kết luận của các cơ quan có thẩm quyền và phía cơ quan điều tra.

Bích Diệp