Chè "vàng" đang làm đắng lòng người dân

(Dân trí) - Bất chấp phẩm cấp, phơi nắng, phơi sương, vì lợi ích trước mắt, nạn chè vàng đang làm điêu đứng các nhà doanh nghiệp sản xuất chè chân chính tại Việt Nam và nguy cơ thương hiệu chè Tuyết Shan có thể bị thui chột.

Ông Trần Văn Giá, chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội chè VN nhấn mạnh, nếu không chấm dứt được nạn chè vàng thì sớm hay muộn chè sẽ bị kém chất lượng còn về lâu dài cây chè VN sẽ mất chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Dùng dao, kéo...hái chè

Hiệp hội chè VN cho biết vào vụ chè xuân 2007 tại các tỉnh biên giới phía bắc như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ... nơi có chè Tuyết Shan ngon nhất, nhiều nhất đã hấp dẫn nhiều thương nhân Trung Quốc đổ về thu mua nguyên liệu chè theo kiểu chè vàng rồi mang về TQ sản xuất thành "chè vàng chính hiệu".

Quy định số 43/2007/QĐ-BNN ngày 16/5/2007 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về quản lí sản xuất, chế biến và chứng nhận sản xuất chè an toàn thì tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào sản xuất, chế biến, chứng nhận điều kiện sản xuất và chứng nhận sản phẩm chè an toàn tại VN đều phải thực hiện đầy đủ các quy định này.

Việt Nam là nước đứng thứ 5 thế giới về diện tích chè. Năm 2006 diện tích cả nước 125.000 ha, trong đó diện tích chè cho sản phẩm là 101 nghìn ha. Diện dích này tăng bình quân 6,2% trong 10 năm gần đây.

Với giá thu mua cực kì hấp dẫn như chè Tuyết Shan Phong Thổ, Lai Châu giá 75 nghìn đồng/1kg, chè Tuyết Shan Mường Khương 90 nghìn đồng/1kg… bình quân người dân hái được khoảng 3 - 3,2 kg chè tươi sẽ bán được một kg chè khô cho các thương nhân TQ. Lợi nhuận trước mắt đã làm người trồng chè đổ xô đi hái chè không tuân theo kĩ thuật. Họ dùng cả dao, liềm... để cắt ngọn khiến cho cây chè trơ trụi và có nhiều khẳ năng chết.

Ông Khúc Mạnh Hà, giám đốc công ty TNHH tư vấn thương mại (HH chè VN), người đã từng có nhiều kinh nghiệm trong các cuộc giao thương với các bạn hàng chè TQ thừa nhận, việc các thương nhân TQ mua với giá khá cao như vậy người trồng chè sẽ rất có lãi, nhưng do người dân thiếu hiểu biết mới dẫn đến tình trạng này.

Ông Hà đưa ra ví dụ hết sức dễ hiểu cho người nông dân trồng chè có thể vận dụng. Khi người ta mua chè đúng chất lượng (1 tôm 2-3 lá) với giá 100% thì người dân lại mang trộn các loại chè khác vào, sản lượng chỉ tăng lên được có 30% nhưng giá thu mua của họ lại giảm xuống 50% như vậy người dân đã tự mình đánh mất đi 20% còn lại. Thậm chí còn bị mất trắng nếu họ không thu mua như hiện nay.

Mua cả chè có nhiều tạp chất

Có thể nói cơn bão chè vàng đã lan nhanh tới cả vùng chè Lâm đồng. Theo nguồn tin của Dân trí cho biết, các thương nhân TQ còn trực tiếp xuống các cơ sở để mua chè xanh sản xuất theo kiểu chè vàng. Sau khi cắt chè (không kể dài ngắn), người dân mang chè ra hong nắng hay sao qua rồi mang ra vò, đem phơi nắng lẫn cả đất, đá, đủ các loại tạp chất, tro bụi...

Một điều đáng báo động khác là người dân thấy lợi đã cắt luôn các loại chè không phải chè Tuyết Shan ở các khu vực như Thái Nguyên rồi mang trộn lẫn vào chè Tuyết Shan khiến cho các thương nhân TQ không thu mua.

Vì vậy hàng trăm tấn chè vàng hiện đang ứ đọng tại các cửa khẩu biên giới đang chờ ngày quay đầu về nước và chắc chắn Hiệp hội chè VN sẽ phải chống chọi với những tấn chè kém chất lượng này. Còn người dân chỉ biết cay đắng nhìn đống chè... và bài học về xuất khẩu các mặt hàng nông sản như dưa hấu, xoài, đỗ tương, lạc... của người dân mấy năm trước vẫn còn đó.

Nhiều doanh nhân và các chuyên gia về chè cho biết, đây không phải là lần đầu tiên vấn nạn chè vàng xảy ra ở VN mà nó đã được nhen nhóm từ những năm 2004 và luôn tuân theo một quy luật nhất định. Vào mùa xuân cho đến tháng 6 hàng năm, các thương nhân TQ lại đổ xô đến đây để mua chè vàng.

Trước tình hình này, Hiệp hội chè VN đã có nhiều cuộc họp phản ứng nhanh về nạn chè vàng. Tuy nhiên đến đầu xuân năm nay nạn chè vàng mới bị đẩy lên đỉnh điểm khi có dự báo nguyên liệu chè của VN sẽ bị giảm một cách rõ rệt khoảng 20-30% trong thời gian tới.

Chè Việt Nam và nguy cơ mất thương hiệu

Theo ông Trần Văn Giá, với kiểu mua chè lạ lùng như vậy đã làm cho thị trường nguyên liệu chè VN có những diễn biến hết sức phức tạp. Các doanh nghiệp sản xuất chè VN không có nguyên liệu để sản xuất, do thương nhân TQ vào mua với giá cao hơn các doanh nghiệp trong nước.

Do không có nguyên liệu chè để sản xuất bán sản phẩm cho các bạn hàng nước ngoài nên thời gian vừa qua hai doanh nghiệp chè của VN là công ty chè Sông Lô (Tuyên Quang) và công ty chè Nghệ An đã bị đối tác nước ngoài (Afganistan) kiện vì không cung cấp đủ sản lượng chè cho họ.

Ông Trần Văn Giá cảnh báo, nếu người dân không dừng ngay việc hái chè theo kiểu bằng dao, kéo cắt chụi thì các vùng nguyên liệu chè rất dễ bị thui chột, nguyên liệu chè kém dẫn đến sản phẩm chè kém chất lượng... như vậy chè VN rất dễ bị mất thương hiệu trên thế giới.

Để giải quyết vấn nạn chè vàng, ông Trần Văn Giá khẳng định, sang vụ chè xuân nắm tới nạn chè vàng như hiện nay dứt khoát sẽ được dập tắt. Nhưng việc làm trước mắt của Hiệp hội chè VN sẽ tuyên truyền rộng rãi cho người dân phải hái chè đúng kĩ thuật và quy trình, không dùng dao, kéo, liềm để cắt chè như vậy là phá hoại sản xuất nông nghiệp.

“Khi người dân trồng chè ở VN hiểu được tác hại của nạn chè vàng họ sẽ dừng ngay. Tôi rất hiểu người dân trồng chè ở đây” - ông Giá nói. Sau đó hiệp hội chè VN sẽ thông thương sang mời các chuyên gia TQ cùng hợp tác sản xuất chè vàng ngay tại VN.

Ông Giá hứa hẹn một niềm vui cho người dân trồng chè, nếu sản xuất được chè vàng chính hiệu tại VN như người TQ làm, người dân trồng chè sẽ có lãi cao hơn gấp 4 - 5 lần như hiện nay.

Thế nào là chè vàng?

Chè vàng hiện nay chỉ có duy nhất TQ mới sản xuất được và nơi có nghề truyền thống sản xuất chè vàng là huyện (Phúc Nhĩ, Vân Nam, TQ). Trên thế giới chỉ có VN và TQ mới có nguyên liệu chè Tuyết Shan để sản xuất chè vàng. Nhưng chè Tuyết Shan ở VN mới là ngon nhất, chuẩn nhất.

Quy trình để sản xuất chè vàng cũng rất phức tạp và cầu kì. Bắt đầu từ khi hái chỉ lấy loại búp có một tôm và 2- 3 lá non (cuống của những ngọn chè này khi soi kính hiển vi sẽ thấy có vẩy mọc như mọc nhĩ - chỉ có ở chè Tuyết Shan) mang ra hong nắng cho nó vừa đủ héo rồi để nó tự lên men sau đó mang đi vò, cho vào ủ (gọi là ủ mà) từ 6 đến 10 tiếng. Sau đem đi sấy khô 7 phần, còn 3 phần thì dừng lại và đem ủ lần thứ 2 (gọi là ủ hương) để lên hương chè vàng từ 2 - 4h (thậm chí 6 giờ cũng phụ thuộc vào thời vụ) sau đó đem sấy khô hoàn toàn ở mức độ 3-5% .Từ đó mới được gọi là “chè vàng”.

Chè vàng nước của nó phải sánh, óng ánh có viền vàng, trông giống như mật ong. Uống vào có vị thơm phảng phất của mùi gỗ thông, mùi chè mạn và mát.

Tuấn Hợp