“Cháy” xe, giá taxi tăng gấp ba lần

Không được đi theo giá cước đồng hồ như thường lệ, những ngày Tết Nguyên Đán khách hàng phải đi taxi bằng sự “mặc cả”. Ngày Tết các hãng taxi đồng loạt “cháy xe”, mức giá phi mã lên gấp hai ba lần so với ngày thường.

Do các xe về tuyến huyện quá tải, vợ chồng anh Hùng chị Linh phải đi xe từ bến Giáp Bát về bến xe Thành phố Nam Định với mức giá cao gấp đôi ngày thường.
 
“Cháy” xe, giá taxi tăng gấp ba lần  - 1
Taxi "cháy" xe vào dịp Tết (Ảnh chỉ mang tính minh họa)
 
Trời mưa tầm tã, lại có con nhỏ nên vợ chồng anh Hùng, chị Linh không thể đi xe ôm hàng chục cây số về nhà. Gọi tổng đài taxi thì các hãng đều kêu “hết xe”. Bất đắc dĩ gia đình anh Hùng phải bắt xe dù. Ngày thường chị đi từ Bến xe Nam Định về Chợ Chùa (Nam Trực) chỉ mất khoảng 150 nghìn đồng, nhưng lần này đi bị tài xế “làm giá”… 350 nghìn đồng.
 
Biết ngày tết thường “cháy” xe, trước hôm về quê một ngày, anh Hoàng đã phải gọi điện “đặt hàng” một tài xế anh hay đi. Nhưng đến khi chuẩn bị về, anh Hoàng gọi điện lại thì tài xế bảo đang ở Phủ Lý, không về ngay được.

Anh Hoàng phải chơi trò may rủi bằng cách gọi điện đến tổng đài. Mai Linh là hãng taxi vốn được coi là hãng phục vụ hành khách tốt nhất với 150 xe các loại trên địa bàn tỉnh Nam Định. Nhưng qua hàng chục cuộc điện thoại, anh Hoàng đều nhận được câu trả lời: “Hãng đã hết xe, anh thông cảm gọi hãng khác”.

Kiên trì gọi điện, anh Hoàng lần lượt liên lạc các hãng taxi Dầu Khí, Thành Hưng, Taxi Nam Định… nhưng các hãng này đều “gác máy”, hoặc có đổ chuông nhưng không có người trả lời.

Ba tiếng sau, qua bạn bè giới thiệu, anh Hoàng may mắn có được số điện thoại của một tài xế taxi Thành Hưng. Ngày thường với quãng đường đi từ thành phố Nam Định về huyện Nam Trực chỉ mất khoảng 170 nghìn đồng. Nhưng qua điện thoại, anh Hoàng bị tài xế này mặc cả: “Ngày tết em lấy 400 nghìn”.

Biết bị “chặt chém” nhưng anh Hoàng vẫn “vu vẻ” chấp nhận vì còn có thể về quê được sau… vài tiếng chờ đợt mệt mỏi.

Tuy nhiên mức giá này còn “mềm” hơn nhiều so với mức giá buổi tối và đêm khuya.
 
Một trong những điểm tập trung nhiều taxi và bị bắt chẹt kinh khủng nhất là bến tàu, bến xe. Mức giá taxi buổi tối ở những khu vực này thường đắt gấp ba lần bình thường.

Sau một hành trình dài từ Sài Gòn, anh Chính về tới thành phố Nam Định khoảng 10 giờ đêm. Hơn nửa tiếng chờ đợi trong giá rét, anh Chính cũng “bắt” được một xe taxi vừa cập bến. Vừa lên xe, anh Chính hoảng hồn khi tài xế taxi ngã giá tới 500 nghìn, mặc dù quãng đường đi chỉ với hơn chục cây số.

Một tài xế taxi cho phóng viên biết: “Vào những ngày tết, tổng đài điện thoại các hãng taxi đều báo hết xe, hoặc không nghe máy. Các hãng cho tài xế được quyền ra giá để kiếm chút, vừa để có ít tiền tiêu tết, vừa để bù đắp cho những ngày “đói kém” trong năm”.

Ông Trần Mạnh Kiên, ở đường Hàn Thuyên, thành phố Nam Định phàn nàn: “Năm nào cũng vậy, cứ khoảng 10 ngày tết Âm Lịch các hãng taxi đều đồng loạt báo hết xe. Người dân không được đi taxi theo giá cước điện tử mà phải đi theo giá thỏa thuận. Các hãng taxi cố tình báo hết xe để tăng giá cước bất hợp lý. Thực tế này đã tồn tại từ khá lâu, người tiêu dùng luôn bị bắt chẹt nhưng chính quyền chức năng vẫn chưa có động thái gì để ngăn chặn tình trạng này (?!)”.

Theo Nguyễn Dũng
Infonet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm