Châu Phi "chiến đấu" với hàng giả
(Dân trí) - Ở châu Phi, gần như mọi sản phẩm tiêu dùng đều có hàng giả hàng nhái, bất kể đắt rẻ, to nhỏ. Tại đây, hàng giả đã trở thành một vấn nạn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của nhà sản xuất chính hãng.
Cách đây vài năm, tập đoàn hàng tiêu dùng Sara Lee bắt đầu phát hiện hàng giả sản phẩm bán chạy nhất của mình tại châu Phi: xi đánh giày Kiwi. Vậy là họ quyết định ngăn chặn việc này bằng cách đổi mới nhãn mác Kiwi, nhưng chẳng bao lâu sau lại xuất hiện hàng giả. Không nản lòng, Sara Lee quyết định thay đổi kích cỡ bao bì. Nhưng cũng chỉ nửa năm sau, hàng giả, với kích thước mới, lại xuất hiện. Với quyết tâm đẩy lùi hàng giả, tập đoàn cho thay đổi toàn bộ khuôn đúc để hộp xi đánh giày Kiwi có mép sâu hơn, nhưng rồi hàng giả cũng nhanh chóng “bắt kịp” hàng chính hãng, tất nhiên với chút khác biệt nhỏ.
“Mỗi lần chúng tôi thay đổi, họ lại thay đổi theo và lần sau nhanh hơn lần trước. Đầu tiên họ mất 6 tháng để bắt kịp thay đổi của hàng chính hãng, còn bây giờ chỉ mất khoảng 6 tuần,” Joab Ouma, Giám đốc marketing khu vực Đông Phi của Sara Lee, cho biết.
Có giá bán lẻ khá rẻ: chỉ 35 xen/hộp, Kiwi là nhãn hiệu xi đánh giày lớn nhất ở lục địa đen, với tổng doanh thu đạt hơn 50 triệu USD và hiện chiếm khoảng 80% thị phần. Tuy nhiên, tại Uganda và một số nước khác, gần một nửa số xi đánh giày hiệu Kiwi trên thị trường là hàng giả, khiến doanh số của Sara Lee trên toàn châu Phi giảm khoảng 20%.
Kiwi là nhãn hiệu xi đánh giày bán chạy nhất ở châu Phi
Không đề cập đến những loại hàng hay bị làm giả trên thế giới như đồng hồ Rolex, túi xách Louis Vuitton, và thuốc Viagra. Ở châu Phi, các cơ sở sản xuất hàng giả len lỏi vào mọi ngóc ngách thị trường, từ sản phẩm rẻ tiền nhất. Các mặt hàng giá rẻ tiêu thụ nhiều, như bút bi, xà phòng bánh, hay xi đánh giày Kiwi, là mục tiêu chính của các cơ sở sản xuất hàng giả. Kiwi đã phải đóng cửa nhà máy ở Malawi và Zambia, hay một nhà máy sản xuất bút BiC đã phải dừng hoạt động ở Mô-dăm-bic, một phần đều do vấn nạn hàng giả.
Không khó để tìm hiểu tại sao các cơ sở sản xuất hàng giả lại đổ về lục địa đen. Thứ nhất, nếu đưa hàng giả len lỏi được vào hệ thống bán lẻ hợp pháp, họ sẽ bán được đúng bằng giá hàng xịn. Không ở đâu tiêu thụ hàng giả dễ như vùng nông thôn của châu Phi, nơi hầu hết hàng hoá được tiêu thụ qua hệ thống cửa hàng và ki-ốt nhỏ. Chỉ một số ít chuỗi cửa hàng lớn kiểm soát chặt chẽ nguồn cung hàng, còn lại, hàng trăm ngàn hộ tiểu thương nhận hàng từ nguồn nào giá rẻ nhất. Uỷ ban tiêu chuẩn quốc gia Uganda ước tính gần 1/3 hàng tiêu dùng ở nước này là hàng giả.
Và các cơ sở sản xuất hàng giả luôn có lãi, dù với những mặt hàng giá rất rẻ. Công ty nhựa Nice sản xuất bàn chải đánh răng chỉ để tiêu thụ tại Uganda và một số nước lân cận. Hiện tại, mỗi tháng công ty chỉ tiêu thụ được chưa đến 800.000 sản phẩm, giảm hơn một nửa so với mức 2 triệu chiếc thời trước khi các cơ sở sản xuất hàng giả, đặc biệt là từ Trung Quốc, bắt đầu làm nhái sản phẩm của họ cách đây 2 năm.
Giá bán lẻ một chiếc bàn chải của Nice chỉ là 20 xen, và công ty lãi chưa đến 2 xen trên mỗi sản phẩm, nhưng lợi nhuận của các cơ sở sản xuất hàng giả lại cao hơn, vì họ không mất chi phí quảng cáo hay tiếp thị sản phẩm mà chỉ việc ăn theo hàng chính hãng. Bàn chải Nice giả đóng trong bao bì hầu như giống hệt hàng chính hãng, ngoại trừ trên bao vì hàng giả ghi “Thiết kế tại Đức”, trong khi hàng thật ghi “Sản xuất tại Uganda”.
Tại Nairobi, công ty Haco Industries chuyên sản xuất bút nhãn hiệu BiC cũng cho biết doanh thu bán bút đã giảm từ 90% trong tổng doanh thu 25 triệu USD hàng năm của công ty xuống chỉ còn 50% do hàng giả tràn ngập thị trường, đến mức ngay cả lãnh đạo công ty đôi khi cũng khó phân biệt.
Chính phủ các nước châu Phi biết cần giải quyết vấn nạn này, nhưng họ cũng vấp phải nhiều khó khăn. “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là một khái niệm còn khá mới mẻ ở các nước đang phát triển,” ông Wycliffe Swanya từ Hiệp hội sản xuất Kenya giải thích. Kenya và Uganda đã soạn thảo các quy định chống hàng giả hàng nhái, nhưng vẫn chưa được thông qua. Ngay cả khi bản dự thảo chính thức trở thành luật thì hàng tiêu dùng giá rẻ cũng sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu. Vì nguồn lực có hạn, nên nỗ lực chống hàng giả của các cơ quan chức năng sẽ tập trung vào các mặt hàng như dược phẩm, thay vì bút bi hay xi đánh giày.
Điều đó đồng nghĩa với việc chủ các thương hiệu phải tự tìm cách bảo vệ mình. Sara Lee, Nice, Haco, và nhiều hãng khác thường kiện các nhà nhập khẩu hàng giả theo một mớ hổ lốn các quy định hiện thời. Tuy nhiên, các công ty nhập khẩu thường liên tục đổi chủ sau vài chuyến hàng nên rất khó quy trách nhiệm.
Tập đoàn Sara Lee đã phát hiện hàng chục nhà máy ở Trung Quốc sản xuất giả sản phẩm của họ, và cho biết họ đang trong quá trình xử lý vụ việc. Tuy nhiên, có một thực tế là mặc dù đôi khi có thể phát hiện được hàng giả để yêu cầu tịch thu không cho tiêu thụ ra thị trường, lẫn lộn với hàng thật, nhưng Sara hiếm khi tịch thu được thiết bị sản xuất. Chính ông Sander Bakker, giám đốc phu trách chống hàng giả của Sara Lee, đã phải thừa nhận rằng họ không thể hoàn toàn ngăn chặn việc sản xuất hàng giả. Tại Hội chợ Canton Fair, tổ chức 2 năm/lần tại thành phố Quảng Châu của Trung Quốc, Bakker cho biết ông đã trông thấy catalog của các cơ sở sản xuất hàng giả, trong đó có các sản phẩm làm giả nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Lãnh đạo công ty Haco ở Uganda cho biết vấn nạn hàng giả có thể sẽ khiến họ phải thuê gia công hàng ngay tại Trung Quốc.
Đặng Lê
Theo Business Week