Châu Âu lạm phát kỷ lục

(Dân trí) - Báo cáo của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, chỉ số giá tiêu dùng trong Khu vực đồng euro đã tăng từ 3,7% (tháng 5) lên 4% vào tháng 6. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất lên 4,25%.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi đồng euro chính thức được đưa vào sử dụng, chỉ số giá tiêu dùng leo cao như vậy. Điều đáng lo ngại là xu hướng này không có dấu hiệu sẽ dừng lại.

Tại Đức, giá cả đã tăng 3,3% vào tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, cao nhất kể từ năm 1993 đến nay, trong khi chỉ số giá tiêu dùng của Tây Ban Nha và Italia đã lên tới mức cao nhất kể từ năm 1996, tương ứng 5,1% và 3,8%.

Lạm phát cao ở các nước trong Khu vực đồng euro được cho là bắt nguồn từ nguyên nhân giá dầu và nguyên liệu tăng, đặc biệt là giá lương thực. Giá dầu thô tháng 6 tính bằng đồng euro đã tăng 10% so với tháng 5 và tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc giá dầu phá kỷ lục trên thị trường thế giới ngày 4/7 vượt 146 USD/thùng chắc chắn không phải là tín hiệu báo trước thời kỳ lặng sóng của kinh tế châu Âu. Một số nhà phân tích dự báo lạm phát có thể sẽ cao hơn 4% trong mùa hè năm nay.

Theo đánh giá của Cao ủy EU phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ Joaqin Almunia, giá cả sẽ tiếp tục tăng cao trong một thời gian dài hơn so với dự báo ban đầu và sẽ chỉ tạm thời chậm lại vào cuối năm.

Trong khi đó, cũng có không ít ý kiến cho rằng chính sách chống lạm phát của ECB hiện nay là không phù hợp vì nó tiếp tục đẩy đồng euro tăng so với đồng USD và kìm hãm tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng euro vốn đang có xu hướng phát triển chậm lại.

Trong các phát biểu vào cuối tuần qua, các quan chức hàng đầu châu Âu - từ Thủ tướng Tây Ban Nha José Zapatero, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đến Bộ trưởng Tài chính Đức Peer Steinbruck - đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách này của ECB.

Kiến Văn (Theo Les Echos)