1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

ChatGPT bị điều tra, vì sao?

Huỳnh Anh

(Dân trí) - OpenAI, công ty sở hữu ChatGPT, đang bị điều tra tại Mỹ do liên quan các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cuộc điều tra cũng thể hiện nỗ lực của Mỹ trong việc giám sát các công nghệ mới nổi.

Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) mở cuộc điều tra ChatGPT, trong đó xem xét siêu trí tuệ nhân tạo (AI) này gây hại thế nào đối với người dùng.

FTC đã gửi thư cho OpenAI về việc đang điều tra xem ChatGPT gây tác động xấu thế nào đến cá nhân với các thông tin sai lệch. Bên cạnh đó, thư cũng đặt câu hỏi chi tiết về các hoạt động bảo mật dữ liệu mà OpenAI đang thực hiện.

FTC cũng trích dẫn một sự cố vào năm 2020 khi OpenAI vô tình để lộ một lỗi cho phép người dùng xem thông tin về những người khác, chủ yếu là các cuộc trò chuyện trao đổi và một số thông tin liên quan đến thanh toán.

Chia sẻ trên Twitter, Sam Altman, giám đốc điều hành OpenAI nhấn mạnh: "Tôi thấy rất thất vọng khi yêu cầu điều tra của FTC ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng".

FTC đang là cơ quan liên bang đi đầu trong các hành động pháp lý nhằm vào giới công nghệ. Đơn vị này từng đưa ra nhiều án phạt lớn với Meta, Amazon và Twitter với cáo buộc vi phạm quy định bảo vệ người tiêu dùng.

ChatGPT bị điều tra, vì sao? - 1

Biểu tượng của ChatGPT và Open AI (Ảnh: Reuters).

Cơ quan này cũng cảnh báo những hành vi gian lận AI, thao túng người dùng hoặc phóng đại khả năng của sản phẩm.

Trong số các thông tin FTC yêu cầu OpenAI cung cấp còn có các nghiên cứu, thử nghiệm hoặc khảo sát liên quan đánh giá nhận thức của người dùng về độ chính xác hoặc độ tin cậy của kết quả đầu ra của sản phẩm do AI sản xuất.

Trước làn sóng AI bùng nổ mạnh mẽ, Washington đang nỗ lực tìm hiểu nhằm đưa ra các quy định mới về bảo vệ tài sản trí tuệ và dữ liệu người dùng. Cuộc điều tra của FTC thể hiện nỗ lực của Chính phủ nước này trong việc giám sát các công nghệ mới nổi.

WSJ đánh giá, cuộc điều tra nhằm vào OpenAI và ChatGPT đang cho thấy mối đe dọa pháp lý tiềm ẩn đối với công nghệ đình đám này.

Ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, ChatGPT đã nhanh chóng "gây bão" cộng đồng với hơn 1 triệu người đăng ký chỉ sau một tuần, vượt mốc 100 triệu người dùng sau 2 tháng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ từ các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT. FTC hiện có thẩm quyền rộng rãi trong việc giám sát hoạt động kinh doanh lừa đảo.

Theo WSJ