1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Chất lượng tiền polymer chưa cao?

Tiền nhựa lần đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 1988 ở Úc. Đến năm 2005 đã có 23 nước sử dụng tiền nhựa, trong đó một số nước chỉ dừng ở tiền lưu niệm. Bộ Ngân khố Mỹ cũng đang thử nghiệm tiền nhựa để xem xét có nên thay thế tiền giấy.

Ưu điểm hơn tiền giấy

Thực tế này chứng tỏ tiền nhựa đang dần tỏ ra có ưu thế so với tiền giấy. Có thể nói tiền nhựa đã tiến những bước dài để hoàn thiện về chất lượng. Năm 1990, Úc đã in cho Tây  Samoa hai loại tiền nhựa mới.

Nhưng niềm háo hức của người dân nước này khi lần đầu tiên được cầm tiền nhựa đã tắt ngóm khi những đồng tiền này bị nhòe và mực phai ra làm vấy bẩn chân dung của Malietoa Tanumafili II, người đứng đầu quốc gia này.

Ưu điểm của tiền nhựa so với tiền giấy: khó làm giả hơn (vì là nhựa trong nên cửa sổ này có thể chứa đựng những đặc điểm không thể làm được với chất liệu giấy); khó rách hơn (cho vào máy giặt vẫn không bị nát) và có tuổi thọ bình quân gấp bốn lần tiền giấy nên kinh tế hơn dù chi phí in gấp hai lần tiền giấy; phù hợp với môi trường khí hậu ẩm ướt, nơi mà tiền giấy bình thường khó tồn tại được quá bốn tháng; ít vi trùng hơn (vì tiền giấy hấp thụ mồ hôi và hơi ẩm là môi trường để vi trùng phát triển).

Ngoài ra, tiền nhựa còn thường bị kẹt trong máy đếm tiền và không thể gấp lại được. Sau đó, phía Úc đã khắc phục được những điểm yếu này ở đồng tiền của Tây Samoa. Đến nay, chất lượng tiền nhựa đã và đang ngày càng được hoàn thiện.

Hiện nay trên thế giới có loại tiền nhựa có tới 21 lớp ép lên nhau, cho phép đặt các chi tiết bảo an tại hơn một điểm giữa lớp nhựa và lớp keo dán. Tiền nhựa hiện nay cũng mang lại cảm giác khi sờ vào và có thể gấp được, gần giống như tiền giấy. Độ kết dính của mực in cũng rất cao và rất sắc nét.

Vì chất lượng và độ bảo an cao nên ngày càng có nhiều nước quan tâm hơn đến tiền nhựa. DuraNote, một công ty của Mỹ trong ngành nhựa, tuyên bố đang thương lượng để in tiền cho ngân hàng trung ương của 24 nước. Úc cũng đang đẩy mạnh công việc này với Thái Lan, Brunei, Singapore. Vào năm 1996, Úc đã rút đồng tiền giấy cuối cùng khỏi lưu thông.

Mỹ, EU không dùng tiền nhựa, vì sao?

Dẫu có nhiều ưu điểm nhưng nhiều ngân hàng trung ương các nước lại không mặn với tiền nhựa. EU đã không chọn chất liệu nhựa cho đồng euro, dù trước đó đã làm việc với Ngân hàng Dự trữ liên bang Úc về khả năng hợp tác in tiền nhựa trong khu vực này. Còn Mỹ vẫn chưa có kế hoạch thay thế tiền giấy bằng tiền nhựa với lý do loại giấy mới pha trộn với nhựa (sáng chế của Hãng Domtar Inc. của Canada, sử dụng công nghệ luminus) dùng để in đồng 1 USD có tuổi thọ tới 21 tháng, dài hơn nhiều so với tuổi thọ của tiền nhựa.

Loại giấy này đã kết hợp được rất nhiều ưu điểm của nhựa, như độ bảo an cao hơn và bền hơn, trong khi lưu giữ được những đặc điểm của giấy như cảm giác khi sờ vào.

Hơn nữa, việc thay đổi cơ sở hạ tầng để chuyển sang in tiền nhựa thay tiền giấy sẽ cực kỳ tốn kém. Cuối cùng là sự phản đối mạnh mẽ của người Mỹ, vì theo họ tiền nhựa trông rất... “rẻ tiền”!

Phải tiến tới làm chủ công nghệ

Tiền VN cũng thỏa mãn một số đặc tính kỹ thuật chung này của tiền nhựa, đặc biệt về chống làm giả. Bọn làm giả tiền VN vẫn chưa thể vượt qua hàng rào bảo an của tiền nhựa VN. Tuy nhiên, tiền nhựa của VN vẫn chưa “cập nhật” được những công nghệ và kỹ thuật mới của tiền nhựa mà thế giới đã đạt được.

Tiền nhựa của VN bị phai màu khi ngâm hoặc dính vào nước, giống như thời kỳ ban đầu mới đưa tiền nhựa lưu thông trên thế giới. Cần lưu ý rằng chất lượng kém của đồng tiền về mặt kỹ thuật cũng là cơ hội cho bọn làm tiền giả.

Một yếu tố cũng rất quan trọng trong quyết định “nhựa hóa” toàn bộ tiền mặt lưu thông ở một quốc gia là khả năng làm chủ công nghệ chế tạo vật liệu và in ấn để đảm bảo tính tự chủ và chủ quyền quốc gia.

Brazil mới đây phát hành thử nghiệm đồng 10 real bằng nhựa, nhưng họ chỉ thay thế toàn bộ tiền giấy bằng tiền nhựa khi đã làm chủ được công nghệ. VN cũng nên tính đến những điều này.

Chống tiền giả phải bằng nhiều biện pháp

 

Mặc dù tiền polymer khó làm giả hơn tiền giấy nhưng không vì vậy mà sẽ không có tiền giả bằng polymer vì việc sản xuất tiền vẫn dựa vào những vật liệu, công nghệ đang có trên thế giới. Tiền càng khó làm giả là rất cần thiết, song sẽ là bất khả thi nếu chỉ dựa vào vật liệu hay công nghệ “cấp cao” trong cuộc chiến chống tiền giả.

 

Vì vậy, chúng ta cần phải có những biện pháp căn cơ, mang tính vĩ mô để ngăn chặn việc lưu hành tiền giả. Nên xây dựng những nền tảng về hạ tầng, pháp lý, tâm lý để hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông. Cần có những biện pháp khuyến khích các cá nhân thanh toán qua ngân hàng để hạn chế tiền giả. Cách này cũng sẽ giảm thiểu rủi ro do tiền giả gây ra cho những người tham gia giao dịch.

ThS Lê Minh Phiếu

TS Phan Minh Ngọc
(Khoa kinh tế, Đại học Kyushu, Nhật Bản)
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm